Ngày 22-11, TAND cấp cao tại TPHCM mở phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Phạm Văn Cung (sinh năm 1982, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, pháp danh Thích Phước Ngọc, từng là trụ trì chùa Phước Quang) và bị cáo Nguyễn Tuấn Sĩ (sinh năm 1968, ngụ TP Vĩnh Long) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tại phiên xử phúc thẩm, bị cáo Cung không tham dự phiên tòa. Tại tòa, bị cáo Sĩ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt vì là lao động chính trong gia đình, con còn đi học, vợ bị bệnh.
Bị cáo Sĩ cho biết, bản thân làm nghề xe ôm, được Cung nhờ nên giúp đóng giả làm chủ tiệm cầm đồ nhằm nói chuyện với bị hại để Cung mượn tiền và được Cung trả công 500.000 đồng.
Bị hại là bà H.T.Y. và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét lại vụ án, tránh bỏ lọt tội phạm. Bà Y. cho rằng, cấp sơ thẩm có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đối vơi hành vi làm giả tài liệu cơ quan tổ chức; chưa làm rõ vai trò đồng phạm giúp sức của một số cá nhân liên quan và chưa xem xét hành vi rửa tiền của bị cáo Cung.
Đại diện Viện KSND cấp cao tại TPHCM cho rằng, bản án sơ thẩm xử bị cáo Cung, Sĩ phạm tội lừa đảo là đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng khi không triệu tập 261 người (xác định được nhân thân, lai lịch) đã nhận tiền mà bị cáo Cung lừa đảo của bị hại đến phiên tòa tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Điều này ảnh hưởng đến việc bồi thường, khắc phục hậu quả và khung hình phạt của bị cáo. Từ đó, Viện KSND cấp cao tại TPHCM đề nghị HĐXX xem xét hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.
Do tính chất phức tạp của vụ án, HĐXX quyết định nghị án kéo dài và dự kiến tuyên án vào ngày 29-11.
Theo bản án sơ thẩm, Cung là tu sĩ tại chùa Phước Quang (thị trấn Tam Bình, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) từ năm 2005 với pháp danh là Thích Phước Ngọc.
Tháng 9-2008, Cung được bổ nhiệm làm trụ trì chùa Phước Quang. Sau đó, Trung tâm Cô nhi viện “Suối nguồn tình thương” nuôi dạy trẻ mồ côi được thành lập do Cung làm giám đốc.
Năm 2015, Cung quen với bà N.T.H.P. (sinh năm 1970, ngụ quận 7, TPHCM), rồi mời bà P. đến tham quan chùa. Cung dùng thủ đoạn như xây chùa, xây trung tâm cô nhi viện, bị thiếu nợ, bị bắt cóc đưa sang Trung Quốc không cho về nước và lừa bà P. hơn 18,5 tỷ đồng. Khi bị phát giác, Cung hoàn trả một phần và chiếm đoạt của nạn nhân hơn 11,6 tỷ đồng.
Năm 2017, Cung chủ động làm quen với bà B.T.N. (sinh năm 1970, ngụ quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), rồi mời bà đến thăm chùa và cô nhi viện. Khi tạo được lòng tin, Cung lừa bà N. chuyển tiền cho Cung hơn 26 tỷ đồng.
Năm 2018, khi đi tham quan tại Liên bang Nga, Cung làm quen với bà H.T.Y. (sinh năm 1965, ngụ tỉnh Hưng Yên). Sau đó, Cung lừa chiếm đoạt tiền của bà Y. hơn 17 tỷ đồng. Ngoài ra, Cung còn lừa một phụ nữ ở TPHCM với số tiền hơn 13 tỷ đồng.
Cơ quan công an xác định, Cung câu kết với các đồng phạm, dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, lừa đảo nhiều bị hại với tổng số tiền gần 68 tỷ đồng.
Ngày 14-4, TAND tỉnh Vĩnh Long tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Cung tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị cáo Nguyễn Tuấn Sĩ (sinh năm 1968, ngụ TP Vĩnh Long) 3 năm tù cũng về tội danh trên.
Sau đó, Viện KSND cấp cao tại TPHCM ban hành kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Long và đề nghị TAND cấp cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm theo hướng hủy án sơ thẩm để điều tra lại với bị cáo Cung.
Theo kháng nghị, bản án sơ thẩm không tuyên buộc những người nhận số tiền có được do phạm tội mà có để thu hồi, hoàn trả lại cho bị hại là không đúng quy định
Ngoài ra, bản án sơ thẩm không đưa 261 người liên quan tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Điều này cũng làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc quyết định hình phạt đối với bị cáo cũng như trách nhiệm khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.