Bị cáo Đậu Văn Hùng (cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty thép Việt Nam - VNS) và Hoàng Ngọc Diệp (cựu thành viên Hội đồng quản trị Công ty Gang thép Thái Nguyên - TISCO) đã khắc phục toàn bộ thiệt hại là hơn 60 tỷ đồng, do đó đại diện Viện Kiểm sát đề nghị tòa phúc thẩm xem xét giảm hình phạt.
Sáng 10-11, sau hơn 1 ngày xét xử phúc thẩm vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO), đại diện Viện Kiểm sát đã trình bày quan điểm xử lý đối với các kháng cáo của 12 bị cáo.
Đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm đối với các kháng cáo. Ảnh: ĐỖ TRUNG Theo Viện Kiểm sát, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên do TISCO làm chủ đầu tư, cấp quyết định đầu tư là HĐQT Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS). Năm 2007, đơn vị trúng thầu xây dựng là Tập đoàn KH-CN và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC). Giá trị hợp đồng trọn gói hơn 160 triệu USD.
Các bị cáo trong vụ án đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật, không đạt được hiệu quả của dự án mà còn gây thất thoát số tiền đặc biệt lớn.
Sau hơn 11 tháng khởi công, MCC chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục, chưa lựa chọn và ký được hợp đồng với nhà thầu phụ, chưa thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu nhưng đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng. MCC còn đề nghị điều chỉnh giá hợp đồng EPC…
Bị cáo Trần Trọng Mừng (cựu Tổng Giám đốc TISCO) và Mai Văn Tinh (cựu Chủ tịch HĐQT VNS) đã chỉ đạo các cá nhân có liên quan thuộc TISCO và VNS tổ chức, thực hiện việc điều chỉnh dự toán chi phí phần C, tham gia ký hợp đồng thầu phụ thực hiện phần C của Hợp đồng EPC số 01 theo hình thức hợp đồng theo đơn giá…, tạo điều kiện để MCC có lý do chối bỏ trách nhiệm thực hiện Hợp đồng trên, chấp thuận không có căn cứ VINAINCON làm nhà thầu phụ thực hiện phần C của Hợp đồng EPC số 01, trong khi VINAINCON không đủ năng lực.
Viện Kiểm sát nhận thấy bị cáo Mừng chịu trách nhiệm toàn diện về dự án. Bị cáo đã không chỉ đạo áp dụng điều khoản để dừng hợp đồng, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét hủy đấu thầu, thu hồi tiền tạm ứng… Bị cáo Mừng bị xác định là người có vai trò chính trong vụ án.
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: ĐỖ TRUNG Hành vi sai phạm của bị cáo dẫn tới phát sinh nhiều chi tiết hư hỏng, gây thiệt hại về tài sản Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan, tổ chức; đồng thời gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, dẫn tới dự án không thể tiếp tục thực hiện.
Với tính chất và mức độ nguy hiểm đối với xã hội, cần áp dụng hình phạt tù có thời hạn. Viện Kiểm sát xét thấy các bị cáo đều không vụ lợi.
Tòa cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ, mức án phù hợp với hành vi phạm tội của từng bị cáo. Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị sửa 1 phần bản án sơ thẩm, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Đậu Văn Hùng và Hoàng Ngọc Diệp. Giữ nguyên bản án đối với các bị cáo còn lại.
Vào tháng 4-2021, Tòa sơ thẩm quyết định tuyên phạt bị cáo Trần Trọng Mừng 9 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
5 bị cáo bị tuyên phạt về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nhận mức án từ 18 tháng tù treo đến 2 năm tù.
Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 2 năm đến 8 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Hậu quả, dự án quá thời hạn dẫn đến chậm tiến độ làm phát sinh lãi vay và tăng chi phí đầu tư, gây thất thoát hơn 830 tỷ đồng.
ĐỖ TRUNG