Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, dự án luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 11) đã sửa đổi, bổ sung nội dung tại 15 điều; sửa kỹ thuật tại 5 điều trong tổng số 33 điều của luật hiện hành.
Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là quy định về kinh phí công đoàn (do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động). Các ý kiến đề nghị giải thích rõ căn cứ, cơ sở xác định mức đóng 2% trong tờ trình. Việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn cần bảo đảm các nguyên tắc công khai, minh bạch nhằm khắc phục những hạn chế thời gian qua; bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa tổ chức công đoàn với các tổ chức của người lao động khác, nhất là trong bối cảnh, tình hình mới được phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo Bộ luật Lao động 2019, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021.
Các ý kiến của các đại biểu sẽ được Ủy ban Về các vấn đề xã hội tập hợp đầy đủ để xây dựng báo cáo thẩm tra chính thức dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 tới đây.