Báo cáo nêu rõ, cử tri và nhân dân bày tỏ sự đồng tình, phấn khởi, đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời và hiệu quả của Đảng, Nhà nước.
Cử tri và nhân dân bày tỏ niềm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động hiệu quả của Quốc hội và điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đất nước ta tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Hội nghị Trung ương lần thứ 5, khóa XIII đã quyết định 6 nội dung rất quan trọng, qua đó tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa…
Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, cử tri và nhân dân bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự chỉ đạo, điều hành có hiệu quả của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đặc biệt, cử tri đánh giá cao chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa xuân năm 2022 an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả. Tâm lý nhân dân, tâm trạng xã hội rất vui mừng phấn khởi khi các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa, nghệ thuật, thể thao... dần trở lại trạng thái bình thường, cộng đồng quốc tế rất quan tâm theo dõi và đánh giá cao việc Việt Nam đã tổ chức SEA Games 31 trong trạng thái bình thường, an toàn dịch bệnh.
Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân cũng bày tỏ sự bất bình, phẫn nộ trước những hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức lợi dụng các chính sách của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 để trục lợi; một số vụ án có quy mô, phạm vi lớn, liên quan nhiều bộ, ngành và địa phương, một số cán bộ, đảng viên tiếp tay, bao che cho việc phạm tội, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Cử tri và nhân dân mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức sai phạm, không bỏ lọt tội phạm, thông tin kịp thời công khai, minh bạch tiến độ, kết quả điều tra, xét xử để nhân dân biết và giám sát.
Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân cũng còn nhiều lo lắng trước tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiều vấn đề xã hội nhức nhối…
Từ ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo 6 nội dung.
Một là, chỉ đạo tổng kết, đánh giá rút ra những bài học quý báu từ công tác phòng, chống Covid-19. Trên cơ sở đó, rà soát quy hoạch, ưu tiên nguồn lực, đầu tư thỏa đáng cho hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở và công tác y tế dự phòng; quan tâm hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực cả về công tác chuyên môn và kỹ năng quản trị cơ sở y tế; có chính sách phù hợp cả về vật chất và tinh thần để động viên cán bộ ngành y tế yên tâm công tác, phục vụ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; đánh giá toàn diện kết quả đạt được, hạn chế kẽ hở để bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực y tế.
Hai là, tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để phòng, chống vi phạm, tội phạm trong công tác đầu tư, mua sắm, thu chi ngân sách…; rà soát, thống kê, tổng hợp các dự án đầu tư có sử dụng đất đã quá hạn chưa thực hiện đầu tư hoặc đầu tư kéo dài, có giải pháp xử lý phù hợp, theo quy định của pháp luật, kiên quyết không để kéo dài tình trạng này, gây bất bình, bức xúc trong nhân dân; quan tâm giải quyết hiệu quả hơn nữa đơn, thư khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc liên quan đến đất đai.
Chỉ đạo giải quyết thấu đáo những vấn đề "tồn đọng" về đất đai do lịch sử để lại, nhất là tình trạng nhiều hộ gia đình đã nộp tiền sử dụng đất hàng chục năm nhưng chưa được giao đất, chưa được xây dựng nhà ở để ổn định cuộc sống.
Ba là, tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; theo dõi, giám sát chặt chẽ chỉ số lạm phát, giá cả một số mặt hàng chiến lược như xăng, dầu, vật tư sản xuất nông, lâm nghiệp; điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng; khẩn trương triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia vì những chương trình này tác động chủ yếu vào vùng nông thôn, vùng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đối tượng thụ hưởng phần đông là hộ nghèo, cận nghèo (người dân rất mong đợi vì chỉ còn hơn 3 năm nữa là hết hiệu lực của quyết định đầu tư mà hiện nay chưa hoàn thành các thủ tục để giải ngân).
Bốn là, đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét một cách thận trọng, đánh giá khách quan, toàn diện chương trình cải cách giáo dục phổ thông, nhất là việc đưa môn lịch sử ở bậc THPT (Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã căn dặn “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”).
Do vậy, cần đổi mới cách dạy và học như thế nào, để nâng cao chất lượng, chứ không nên để môn Lịch sử là môn học tự chọn.
Năm là, căn cứ vào kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hàng năm của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đề nghị các bộ ngành, cơ quan liên quan gửi các văn bản, tài liệu liên quan đến MTTQ Việt Nam đúng thời gian, hợp tác chặt chẽ hơn nữa để công tác giám sát, phản biện xã hội bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Ý kiến phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam đối với các dự án luật sẽ được gửi tới các đại biểu Quốc hội để tham khảo khi thảo luận và biểu quyết thông qua luật.
Sáu là, đề nghị Đảng và Nhà nước chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, nhất là Đài truyền hình Việt Nam dành thêm thời lượng "giờ vàng" đề cập về những vấn đề mà nhiều cử tri và nhân dân quan tâm, những tấm gương tiêu biểu ở cơ sở, cách làm hay, sáng tạo trong các phong trào thi đua yêu nước; có hình thức phù hợp, tạo điều kiện để cử tri và nhân dân phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình.