Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngày 23-10-2017 (cách đây 4 năm), EC đã rút “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam để cảnh báo tình trạng khai thác thủy sản không theo quy định, không khai báo và khai thác bất hợp pháp.
Sau 4 năm thực hiện quyết tâm gỡ “thẻ vàng”, đến nay, chúng ta đã đạt được những nỗ lực nhất định.
“Thứ nhất, mặc dù bị cảnh báo nhưng trong 4 năm, chúng ta vẫn duy trì được sản lượng khai thác. Đồng thời cũng đã giảm được số lượng từ 128.000 tàu khai thác xuống còn 94.572 tàu, cường lực khai thác cũng giảm. Thứ hai là số tàu vi phạm đã giảm đáng kể. Thứ ba, chúng ta đã ban hành được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối hoàn chỉnh, theo đúng tham vấn của EU về vấn đề khai thác, chế biến thủy hải sản”- Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT phụ trách lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản cũng cho biết, với sự quan tâm của Chính phủ, đặc biệt là ngày 7-9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì một hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố có biển về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Sau đó, Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản trên cơ sở văn bản số 81 ngày 20-3-2020 của Thường trực Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định thì hiện nay, các địa phương, bộ ngành liên quan đang vào cuộc một cách quyết liệt.
“Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, từ nay đến cuối năm 2021, không để có tàu vi phạm các quy định về IUU. Đây là điều kiện để chúng ta gỡ thẻ vàng”- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết và tin rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chúng ta sẽ sớm gỡ được thẻ vàng, trong thời gian ngắn nhất.
Liên quan tới khai thác hải sản, hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, không thể coi các tàu cá khai thác ở vùng biển còn đang tranh chấp là bất hợp pháp vì hoạt động tại các vùng này là để khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam và khai thác hợp pháp của ngư dân Việt Nam.
Do đó, cần tăng cường đàm phán để EC hiểu rõ về vùng chồng lấn trên biển, vùng còn đang tranh chấp, chưa xác định rõ chủ quyền để không tính các tàu khai thác ở những vùng này là tàu vi phạm các quy định về IUU.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: “Khi đàm phán kỹ thuật với Đoàn thanh tra châu Âu, tôi đã nêu vấn đề này. Vừa rồi, chúng ta có một số tàu cá vi phạm các quy định IUU là trong vùng nước lịch sử và vùng chồng lấn”.
“Khi đàm phán với EU, đại diện của EC cũng nói rằng, các ngài phải làm rõ vùng nào là vùng chồng lấn, vùng nào là vùng nước lịch sử để xác định các tàu vi phạm ở khu vực đó sẽ không được tính là tàu vi phạm khi EC cảnh báo về IUU”- Thứ trưởng Bộ NN-PTNT thông tin.
Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, nếu làm rõ được vấn đề này trên ngư trường, có sự phân định rạch ròi về vùng chồng lấn thì chúng ta sẽ có căn cứ pháp lý để quản lý, xử lý tàu cá vi phạm và chắc chắn tình trạng tàu vi phạm sẽ giảm đi. Về vấn đề này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Ngoại giao đàm phán với các nước như Malaysia, Indonesia… để xác định rõ các vùng như vậy.