Chiều 20-9, dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) Nguyễn Phú Cường cho biết, Thường trực Ủy ban TC-NS nhận thấy, trong quá trình 8 năm thực hiện, hệ thống văn bản hướng dẫn về thi hành Luật Đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, lựa chọn nhà đầu tư là khá lớn, với 8 nghị định, 23 thông tư, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Vì vậy, một trong những yêu cầu đặt ra đối với việc sửa đổi luật lần này là cần luật hóa tối đa các quy định hiện hành đã áp dụng ổn định để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khắc phục tình trạng luật khung, luật ống, góp phần giảm đến mức thấp nhất số lượng các văn bản dưới luật được ban hành.
Liên quan đến các nội dung cụ thể, Thường trực Ủy ban TC-NS đã nêu ý kiến về 6 nhóm vấn đề với 23 nội dung.
Trong đó, về đối tượng, phạm vi điều chỉnh, dự thảo luật đang tiếp cận theo hướng liệt kê trong phạm vi điều chỉnh bao gồm những quy định các hoạt động phải đấu thầu và các hoạt động không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật.
“Như vậy dẫn đến việc bỏ sót và khó bao quát đầy đủ các hoạt động thực tiễn phát sinh. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu theo hướng quy định rõ trong phạm vi điều chỉnh các hoạt động phải đấu thầu, đối với các hoạt động không thuộc đối tượng “phải đấu thầu” thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật; đối với những hoạt động đấu thầu đã được quy định trong luật chuyên ngành khác thì quy định nguyên tắc thực hiện theo luật chuyên ngành”, Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cường bình luận.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ rà soát, làm rõ khái niệm “vốn nhà nước” để đảm bảo thống nhất với quy định tại các luật có liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đối tác công tư…
Đối với dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu, cần rà soát, thống nhất với dự án Luật Đất đai sửa đổi (cũng đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến).
Đây là một nhận xét rất đáng lưu ý của cơ quan thẩm tra. Dự thảo luật đã bổ sung, mở rộng thêm nhiều trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu. Cơ quan thẩm tra nhận định, điều này là chưa thực sự phù hợp với mục tiêu “nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế”.
Theo người đứng đầu Ủy ban TC-NS, cần giới hạn việc áp dụng chỉ định thầu với các trường hợp đặc thù. Cụ thể là: dự án cấp bách; đảm bảo bí mật liên quan đến an ninh, quốc phòng; đầu tư mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh trong trường hợp khẩn cấp; các trường hợp đặc thù gắn với việc đảm bảo yêu cầu đồng bộ về công nghệ, nghiên cứu thử nghiệm, mua bán bản quyền sở hữu trí tuệ.
“Đề nghị Chính phủ rà soát cụ thể từng trường hợp, đánh giá tác động của các trường hợp này để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật Đấu thầu đã đặt ra, tránh việc lợi dụng, lạm dụng chỉ định thầu”, báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, Thường trực Ủy ban TC-NS cho rằng việc bổ sung quy định về trường hợp đặc biệt lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ làm rõ thế nào là trường hợp đặc biệt, thế nào là đặc thù; đồng thời cần quy định nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện, yêu cầu đối với các gói thầu được áp dụng lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.