Sáng 22-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục phiên họp thứ 9, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý, dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Đây là dự án luật đã được Quốc hội khóa XV thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 2.
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, hiện nay còn 2 vấn đề xin ý kiến UBTVQH.
“Mặc dù nhiều ý kiến đồng tình với việc quy định về bảo hiểm vi mô tại dự thảo luật để có căn cứ pháp lý trong việc tổ chức cung cấp bảo hiểm tới các đối tượng có thu nhập thấp, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao, song loại ý kiến khác đề nghị cân nhắc quy định bảo hiểm vi mô tại dự thảo luật vì bảo hiểm vi mô có tính chất tương hỗ, an sinh xã hội, phi lợi nhuận, trong khi phạm vi của luật có tính chất kinh doanh”, ông Thanh cho biết.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, nhưng để bảo đảm kết cấu chung của dự thảo luật cũng như tính khả thi, đề nghị chỉ quy định nguyên tắc triển khai, đối tượng được triển khai bảo hiểm vi mô tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này.
Về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, một số ý kiến đề nghị không nên tiếp tục trích nộp quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Ý kiến khác cho rằng nên có quy định về trích lập quỹ bảo vệ người được bảo hiểm nhưng cần đánh giá nguồn hình thành quỹ.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, sau gần 12 năm trích nộp, quỹ này chưa phải sử dụng và ít có khả năng phải sử dụng. Bên cạnh đó, dự thảo luật đã chuyển từ phương thức can thiệp sau (khi doanh nghiệp bảo hiểm đã mất khả năng thanh toán) sang phương thức can thiệp sớm và kết hợp mô hình quản lý trên cơ sở rủi ro, do đó đã nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong quản trị doanh nghiệp và kiểm soát tài chính, tăng cường yêu cầu đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp can thiệp sớm. Bên cạnh đó, theo luật hiện hành cũng đã có quỹ dự trữ bắt buộc, có cùng mục đích hướng tới bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm.
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhận định: "Việc duy trì đồng thời cả 2 quỹ là không cần thiết, tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm vì số tiền trích nộp quỹ được tính theo tỷ lệ phần trăm của phí bảo hiểm do bên mua bảo hiểm đóng theo hợp đồng bảo hiểm”. Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị dừng trích nộp quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, đồng thời giao Bộ Tài chính quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư quỹ, bảo đảm việc xử lý số dư của quỹ đúng mục đích ban đầu khi thành lập quỹ.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đồng tình với quan điểm của cơ quan chủ trì thẩm tra. Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại kết cấu dự thảo luật để đảm bảo tính logic của văn bản.
Về việc phân loại và định danh các loại hình bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận xét: “Cơ sở để phân loại như dự thảo hơi chênh vênh, thiếu nhất quán”. Người đứng đầu Quốc hội cũng yêu cầu tiếp tục rà soát và làm rõ các quy định về hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm vừa phù hợp với các nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, bảo đảm tính đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, nhất là khi người mua bảo hiểm và người thụ hưởng là hai chủ thể khác nhau.