Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, năm 2023, với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, quyết tâm cao, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn; có thể thấy rõ trong 10 vấn đề, sự kiện tiêu biểu của Quốc hội Việt Nam năm 2023 mà Văn phòng Quốc hội tổ chức bình chọn cuối năm 2023.
Năm 2023 cũng là lần đầu tiên trong lịch sử 78 năm hoạt động, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức số lượng kỳ họp nhiều nhất trong một năm với 5 kỳ họp, trong đó có 3 kỳ họp bất thường, để xem xét, quyết định kịp thời 84 vấn đề lớn, quan trọng, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, góp phần quan trọng ổn định và phát triển đất nước, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tạo tiền đề thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và các năm tiếp theo.
“Có được những kết quả đó là có sự đóng góp tích cực của đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, sự phối hợp chặt chẽ của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đặc biệt là vai trò tích cực, vai trò trung tâm của các vị đại biểu Quốc hội, dù ở bất kỳ cương vị nào, đều tâm huyết, trách nhiệm, nỗ lực, bản lĩnh, xứng đáng với niềm tin của cử tri và nhân dân”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định.
Báo cáo tóm tắt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024 do Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh trình bày tại hội nghị nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác lập pháp, một số đoàn đại biểu Quốc hội triển khai lấy ý kiến tham gia của các cơ quan chuyên môn chậm, một số đoàn không tổ chức hội nghị để thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự án luật, có ĐBQH chưa dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu báo cáo, tài liệu do đó chất lượng ý kiến đóng góp vào văn bản luật chưa cao.
Một số đoàn chưa tổ chức, thành lập đoàn giám sát theo kế hoạch riêng mà chỉ thành lập đoàn giám sát theo kế hoạch hàng năm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và giám sát qua báo cáo. Công tác khảo sát còn ít, việc theo dõi, đôn đốc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân có nơi còn chậm…
Tập hợp kiến nghị, đề xuất đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Nguyễn Thị Thanh cho biết, đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị đẩy nhanh quá trình chuẩn bị tài liệu dự án luật, tài liệu phục vụ kỳ họp; chỉ đạo khắc phục tình trạng chậm gửi các tài liệu, dự thảo luật, báo cáo về địa phương; chỉ đạo các cơ quan trình dự án luật nghiêm túc triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Bên cạnh đó, sớm sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, bổ sung quy định cụ thể về chế tài đối với các cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát chậm hoặc không thực hiện các kiến nghị sau giám sát; chỉ đạo các đơn vị có liên quan tiếp tục điều hòa hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội khắc phục tình trạng tập trung tại một thời điểm có nhiều đoàn giám sát, khảo sát đến làm việc cùng một địa phương…
Đối với Chính phủ, các đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ Trung ương đến cơ sở; chỉ đạo các bộ, ngành nghiêm túc thực hiện việc trả lời kịp thời, đúng quy định và thông báo kết quả giải quyết tới đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội khi có ý kiến chuyển đơn.