Đề nghị đăng ký kinh doanh cho hàng triệu cá nhân kinh doanh online

Các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp đều khẳng định cần có các quy định pháp luật quản lý hoạt động kinh doanh đối với hàng triệu cá nhân kinh doanh online, có người có doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm. 

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH-ĐT), hiện vẫn còn hàng triệu cá nhân kinh doanh vẫn không đăng ký kinh doanh, cũng không nộp thuế. Ảnh minh họa
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH-ĐT), hiện vẫn còn hàng triệu cá nhân kinh doanh vẫn không đăng ký kinh doanh, cũng không nộp thuế. Ảnh minh họa

Ngày 4-10, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH-ĐT) tổ chức tọa đàm “Quản lý đăng ký kinh doanh và mô hình kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số”.

Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đều khẳng định, bên cạnh mô hình kinh doanh hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp… thì vẫn còn hàng triệu cá nhân kinh doanh online, có người có doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm. Vì vậy, cần có các quy định pháp luật quản lý hoạt động kinh doanh cho cá nhân.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, việc kinh doanh trực tuyến trên các nền tảng Facebook, Zalo, Instagram… đang thu hút hàng triệu người tham gia. Tuy nhiên, hầu hết cá nhân không đăng ký kinh doanh mà không nhận thức rõ rằng khi đăng ký kinh doanh, họ sẽ được nhà nước ghi nhận tính hợp pháp, được bảo hộ, được hưởng các chính sách hỗ trợ, bảo vệ khi xảy ra tranh chấp.

Về phía các cơ quan nhà nước, việc đăng ký kinh doanh cho các hộ này sẽ giúp có thông tin chính xác để hỗ trợ, điều phối, kiểm tra, quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh. Hơn nữa, việc đăng ký kinh doanh sẽ giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi của bên thứ 3, quyền lợi của người tiêu dùng.

QC chiều 4.jpg
Quang cảnh tọa đàm

Với những lý do nêu trên, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh kiến nghị xây dựng một nghị định để quy định về địa vị pháp lý và các vấn đề liên quan đến cá nhân kinh doanh. Trong đó, làm rõ địa vị pháp lý của cá nhân kinh doanh, các quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh về cá nhân kinh doanh; phân biệt 3 loại hình: doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; đồng thời làm rõ trường hợp cá nhân kinh doanh được miễn đăng ký kinh doanh…

Các ý kiến tại cuộc tọa đàm chia sẻ sự cần thiết phải quản lý cá nhân kinh doanh, song đề nghị áp dụng những thủ tục gọn nhẹ, tránh phiền hà. Ông Trịnh Đức Chiều, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương) cho biết, ở nhiều nền kinh tế phát triển, quản lý đối với cá nhân kinh doanh rất đơn giản, chủ yếu là điều kiện kinh doanh.

Còn hoạt động của cá nhân kinh doanh tuân thủ các văn bản pháp luật chuyên ngành như lao động, môi trường, bảo hiểm, cháy nổ... “Phần lớn thuế đối với cá nhân kinh doanh là thuế thu nhập cá nhân đối với phần thu nhập mà chủ sở hữu cá nhân kinh doanh có được từ cơ sở kinh doanh đó", chuyên gia này cho biết.

Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, năm 2023, cả nước có 1,52 triệu cá nhân có đăng ký thuế nhưng không đăng ký kinh doanh, xấp xỉ số hộ đăng ký kinh doanh (1,92 triệu) và bằng 1,6 lần số doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, có 807.000 cá nhân kinh doanh có phát sinh doanh thu. Số cá nhân kinh doanh đóng góp 184.000 tỷ đồng tiền thuế. Nhưng vẫn còn hàng triệu cá nhân kinh doanh hiện vẫn không đăng ký kinh doanh, cũng không nộp thuế.

Tin cùng chuyên mục