Đề nghị đặc cách trong công nhận thương binh, liệt sĩ đối với đặc công, biệt động

Do tính chất đặc thù của 2 lực lượng này là: hoạt động bí mật; hy sinh không tìm thấy hài cốt, khi bị thương không có giấy tờ chứng minh…
Người Việt Nam ở nước ngoài đến huyện Cần Giờ (TPHCM) nghe giới thiệu về hoạt động của Đoàn 10 Đặc công rừng Sác - mật danh T10, trong kháng chiến
Người Việt Nam ở nước ngoài đến huyện Cần Giờ (TPHCM) nghe giới thiệu về hoạt động của Đoàn 10 Đặc công rừng Sác - mật danh T10, trong kháng chiến

Ngày 28-7, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TPHCM làm việc với Bộ Tư lệnh TPHCM về thực hiện chế độ chính sách đối với quân nhân trên địa bàn TPHCM. Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM tham dự.

Thượng tá Huỳnh Văn Tâm, Trưởng Ban chính sách, Bộ Tư lệnh TPHCM cho biết, trong giải quyết hồ sơ thương binh, liệt sĩ còn tồn đọng hiện nay, khó nhất là việc xem xét và giải quyết hồ sơ cho một số trường hợp thuộc đơn vị Biệt động Thành và đơn vị đặc công.

Thời gian qua, khi tiếp nhận để lập hồ sơ thương binh, hồ sơ liệt sĩ cho đối tượng là đặc công, Biệt động Thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bộ Tư lệnh TPHCM gặp tình cảnh là chưa có cơ sở để lập hồ sơ, chưa có hướng để giải quyết. 

“Chỉ riêng đơn vị Biệt động Thành đã tồn khoảng 200 hồ sơ đề nghị công nhận là liệt sĩ và hàng chục hồ sơ công nhận thương binh. Tuy nhiên, các trường hợp đa số chỉ có… bí danh, không rõ địa chỉ, quê quán hoặc của đối tượng hoặc thân nhân đối tượng. Do chưa tìm ra địa chỉ, nên chưa thể làm các bước tiếp theo trong xác lập hồ sơ”, thượng tá Huỳnh Văn Tâm nói.

Khắc phục tình trạng này, Bộ Tư lệnh TPHCM đã đề nghị Ban Liên lạc truyền thống kháng chiến TPHCM, Ban liên lạc Trung đoàn 10 Đặc công rừng Sác cung cấp danh sách cụ thể các đối tượng thuộc lực lượng Biệt động Sài Gòn và lực lượng Đặc công làm cơ sở giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh cho đối tượng và người thân. 

Tuy nhiên, Ban liên lạc truyền thống kháng chiến, Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 10 đặc công rừng Sác cũng chưa có cơ sở để cung cấp thông tin về đối tượng và thân nhân đối tượng. Bởi, tính chất đặc thù của 2 lực lượng này trong thời kỳ chiến tranh là: hoạt động bí mật (cán bộ, chiến sĩ tham gia hai lực lượng trên hầu hết bí mật về quê quán, thân nhân) và hy sinh không tìm thấy hài cốt, khi bị thương không có giấy tờ chứng minh… 


Vì vậy, tại TPHCM, 2 đối tượng trên còn không ít trường hợp là con người thật, việc thật nhưng không có đủ yếu tố để xem xét, lập hồ sơ đề nghị giải quyết chính sách thương binh, liệt sĩ.

Để tháo gỡ vướng mắc, Bộ Tư lệnh TPHCM đề nghị Bộ LĐTB-XH phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng có văn bản kiến nghị Chính phủ xem xét, đặc cách trong việc giải quyết hồ sơ thương binh, liệt sĩ đối với đối tượng là đặc công, biệt động Thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở TPHCM. 

Cụ thể, cần vận dụng cách làm là, chỉ cần có 2 đồng đội chứng nhận, địa phương xác nhận có đi chiến trường, đơn vị xác nhận có chiến đấu và bị thương, bị hy sinh trong trường hợp cụ thể.                                          

Tin cùng chuyên mục