Đề nghị công nhận Cửu đỉnh là Di sản tư liệu thế giới dựa trên tiêu chí nào?

Chiều 16-6, Trung tâm Bảo tồn đi tích cố đô Huế cho biết, đã hoàn thiện và gửi Bộ VHTT-DL xem xét, cho ý kiến bộ hồ sơ đề nghị công nhận Cửu đỉnh là Di sản tư liệu thế giới, trước khi đệ trình UNESCO.


Bộ Công tổ chức đúc Cửu đỉnh bằng đồng tại kinh đô Huế vào năm 1836 dưới thời vua Minh Mạng. Công việc đúc và sau đó gia công hoàn chỉnh mất 15 tháng, đến tháng Giêng năm Minh Mạng thứ 18 (3-1837) thì hoàn thành. Hiện Cửu đỉnh được đặt thành hàng ngang trước sân Thế Miếu, nơi thờ các vị vua triều Nguyễn trong Đại nội Huế. Mỗi đỉnh đối diện với một gian thờ trong tòa miếu. Riêng đỉnh tương ứng với gian thờ vua Gia Long đặt hơi nhích về phía trước, vì đây là vị hoàng đế có công khai sáng triều đại.

Đề nghị công nhận Cửu đỉnh là Di sản tư liệu thế giới dựa trên tiêu chí nào? ảnh 1 Đỉnh tương ứng gian thờ vua Gia Long đặt hơi nhích về phía trước, vì đây là vị hoàng đế có công khai sáng triều đại nhà Nguyễn (1802-1945). Ảnh: LÊ VĂN NGUYỆN

Ở mặt trước hông các đỉnh đều đúc nổi 2 chữ đại tự với chữ dưới là chữ đỉnh và chữ trên là tên gọi tắt miếu hiệu từng vị vua. Chẳng hạn, Cao Đỉnh là miếu hiệu vua Gia Long, Nhân Đỉnh là miếu hiệu vua Minh Mạng…, cứ thế lần lượt theo thứ tự các chữ Cao, Nhân, Chương, Anh, Nghị, Thuần, Tuyên, Dụ và Huyền.

Quanh hông các đỉnh đồng đúc nổi 153 cảnh vật, phân bố theo biểu đồ chung và được chia làm 3 hàng ngang, mỗi hàng 1 chủng loại. Đặc biệt, bằng kỹ thuật khắc nổi vừa phải, các họa tiết hoa văn trên Cửu đỉnh tuy để trang trí mặt ngoài nhưng không lặp lại quy luật mà là một tác phẩm điêu khắc độc lập, tạo ra nhịp điệu uyển chuyển.

Sự đa dạng, tính thống nhất, cái tinh tế và sự hài hòa thể hiện tư duy người thợ đúc đồng thời bấy giờ, đầy sáng tạo. Ngoài ra, họa tiết hoa văn trên Cửu đỉnh còn hàm chứa quyền lực vương triều Nguyễn bao trùm lên toàn bộ lãnh thổ và thiên nhiên của đất nước (kể cả vùng trời và biển), cùng với sức mạnh bảo vệ chủ quyền sở hữu ấy.

Có thể xem những khắc họa trên Cửu đỉnh như một bộ “Địa dư chí” bằng ngôn ngữ tạo hình nước Việt Nam thời kỳ đó, không đầy đủ nhưng điển hình, đúng như yêu cầu vua Minh Mạng khi chỉ đạo thực hiện công trình này: “Nay đúc đỉnh, khắc hình tượng sông núi và mọi vật, cũng không cần phải khắc đủ cả, duy phải khắc rõ tên, hiệu và xứ sở để nhận biết”.

Trong quá trình nghiên cứu điền dã, nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có một phát hiện thú vị, 9 chiếc đỉnh đồng (Cửu đỉnh) đều có dáng chung giống nhau: bầu tròn, cổ thắt, miệng loe, trên miệng có 2 quai, dưới bầu có 3 chân. Ở phần cổ đỉnh, bên phải ghi năm đúc đều là Minh Mạng thập lục niên Ất Mùi (1836), bên trái ghi trọng lượng từng đỉnh có khác nhau xê dịch từ 3.201 cân ta đến 4.307 cân ta. Tất cả các loại cảnh vật khắc nổi trên Cửu đỉnh đều được chọn lọc và sắp xếp theo con số 9 (9 ngọn núi lớn, 9 con sông, 9 loài chim, 9 linh vật…).

Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu lý giải, người xưa xem số 9 là số nhiều, đầy đủ nhất đến mức hoàn tất, để rồi sang số 10 sẽ trở lại từ đầu theo một chu kỳ mới. Là một lịch đại đầy đủ. Dù đã trải qua gần 2 thế kỷ nhưng Cửu đỉnh vẫn được coi là một trong những tuyệt tác của nghệ thuật đúc đồng, di sản văn hóa lịch sử đặc sắc có một không hai của Việt Nam. Cửu đỉnh cung cấp nhiều thông tin, trong đó có những hình ảnh khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Đề nghị công nhận Cửu đỉnh là Di sản tư liệu thế giới dựa trên tiêu chí nào? ảnh 2 Quanh hông các đỉnh đồng đúc nổi 153 cảnh vật, phân bố theo biểu đồ chung và được chia làm 3 hàng ngang, mỗi hàng một chủng loại. Ảnh: LÊ VĂN NGUYỆN

Trong khi theo một số chuyên gia và và nhà nghiên cứu khác tại Huế, Cửu đỉnh đạt đến trình độ tinh xảo nhất của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam ở thế kỷ XIX. Bộ báu vật này được chế tác bởi các nghệ nhân bậc thầy về đúc đồng dưới thời nhà Nguyễn. Kỹ thuật khắc nổi những họa tiết, hoa văn tinh tế với những hình ảnh “sống động” trên bộ Cửu đỉnh đòi hỏi các nghệ nhân phải kiên trì và có sự am hiểu nhất định.

Theo một số sử liệu, Cửu đỉnh được đúc theo lối thủ công truyền thống nên việc tạo khuôn đúc cũng thực hiện theo thủ công qua việc chọn lựa loại đất sét phù hợp một cách tỉ mỉ. Khuôn đúc Cửu đỉnh là khuôn “độc bản”, sau khi hoàn thành chế tác, các khuôn đúc đều bị phá bỏ để tránh sự sao chép. Quá trình chế tác khuôn đúc được triều đình giám sát chặt chẽ. Từ cách tạo dáng đến các hình chạm nổi trang trí bên ngoài cho thấy tất cả các đơn vị hoa văn, họa tiết trang trí trên Cửu đỉnh là một thực thể độc lập và duy nhất, không lặp lại ở bất kỳ nơi đâu.

Đề nghị công nhận Cửu đỉnh là Di sản tư liệu thế giới dựa trên tiêu chí nào? ảnh 3 Cửu đỉnh đặt trước Thế Miếu

Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, Cửu đỉnh là dạng “độc bản, duy nhất” trên thế giới. Qua nghiên cứu đối chiếu với hoàng cung các nước đồng văn như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... thì bộ Cửu đỉnh dưới triều Nguyễn hiện nay được trưng bày trong Đại nội Huế là độc bản. Chưa hết, ngay cả các triều đại trước nhà Nguyễn ở Việt Nam, dạng tư liệu khắc trên đỉnh tương tự cũng không có. Đây còn là một bộ sưu tập độc nhất về hình ảnh đúc nổi, thư pháp, tác phẩm mỹ thuật vô cùng đa dạng, phong phú và có giá trị to lớn; là một cụm tượng đài bất diệt, hoành tráng về đất nước Việt Nam đầu thế kỷ XIX được biểu trưng bằng hình ảnh, thể hiện trí tuệ của tiền nhân và tầm cao nghệ thuật.

Đối chiếu với hệ thống tiêu chí của Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới của UNESCO, Cửu đỉnh thật sự là một bảo tàng sống về đất nước Việt Nam đầu thế kỷ XIX và là một di sản vô giá mà triều Nguyễn đã di tặng cho thế hệ sau. Vì thế, di sản này hoàn toàn xứng đáng được UNESCO vinh danh là di sản tư liệu thế giới.

Tin cùng chuyên mục