Theo đó, sau khi nghe Bảo tàng Lịch sử tỉnh trình bày các hồ sơ di tích lịch sử văn hóa đề nghị xếp hạng di tích theo Luật Di sản văn hóa, Hội đồng đã thảo luận và tiến hành bỏ phiếu, nhất trí đề nghị Bộ VH-TT-DL xét di tích lịch sử (lưu niệm danh nhân) phủ thờ và lăng mộ Diên Khánh Vương (ở phường Vỹ Dạ và phường An Tây, TP Huế) là di tích cấp quốc gia.
Đối với 3 hồ sơ còn lại được Hội đồng thống nhất cao đề nghị là di tích cấp tỉnh gồm: Di tích lịch sử (lưu niệm danh nhân) Ưng Bình tại Châu Hương Viên (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang); Di tích lịch sử Lăng mộ và Nhà thờ Trần Đình Bá (Xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền và xã Phong Hiền, huyện Phong Điền) và Di tích lịch sử (Lưu niệm sự kiện) địa điểm Lùm Chánh Đông (phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy).
Theo ghi nhận, trong số các địa chỉ văn hóa được đề nghị xếp hạng di tích thì ngôi nhà rường- công trình duy nhất còn lại tại Châu Hương Viên của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị đang ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào (Báo SGGP đã thông tin). Dù rằng theo các nghệ nhân ca Huế lớn tuổi ở Huế thì Châu Hương Viên là nơi danh nhân Ưng Bình Thúc Giạ Thị, tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Bình (1877-1961), một nhà thơ nổi tiếng của xứ Huế và là người có công lao to lớn trong việc hình thành, phát triển ca Huế thính phòng từng sinh sống.
Nơi đây, vốn là địa chỉ văn hóa truyền thống, là thi đàn của “Hương Bình thi xã” với khu nhà vườn rộng lớn khoảng 1ha, có một ngôi nhà rường cổ làm bằng gỗ ba gian, hai chái với hai lớp cửa gỗ và cửa gương. Bên phải ngôi nhà có một căn nhà ngang nhiều cửa hướng Đông để đón mặt trời mọc và một khu vườn rộng với hàng trăm loại cây trái tự nhiên. Đây là “đình hưu” duy nhất – nơi cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị sống trọn cuộc đời với thi ca sau khi rời quan trường.
Trải qua tác động của chiến tranh và sức ép gia tăng dân số, Châu Hương Viên bị xâm hại, trở thành bến tắm giặt của người dân xung quanh dọc sông Hương. Đặc biệt, từ năm 1961, khi cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị qua đời, Châu Hương Viên được giao lại cho con cái gìn giữ, quản lý. Tuy nhiên, năm 1968, những người con của cụ chuyển vào TPHCM sinh sống và kể từ đó, khuôn viên ngôi nhà không được trông coi và dần trở nên hoang tàn theo thời gian, khiến các nghệ sĩ ca Huế tìm về đây để tưởng nhớ cụ không khỏi chạnh lòng, đau xót.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Bách, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên – Huế đã làm việc với gia đình về hướng bảo tồn, phát huy giá trị Châu Hương Viên. Đồng thời, nghiên cứu, khảo sát, đánh giá lại toàn bộ ngôi nhà rường- công trình duy nhất còn lại tại Châu Hương Viên để sớm có phương án trùng tu phù hợp. Khi Châu Hương Viên được công nhận là di tích thì địa phương sẽ có những chính sách hỗ trợ trùng tu di tích theo quy định.