Sáng 27-5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Các ý kiến rất trăn trở với nạn xâm hại trẻ em hiện nay.
Cần xử nghiêm, ở mức cao nhất với những đối tượng xâm hại trẻ
Thảo luận về nội dung này, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) và các ĐB đều chỉ ra thực trạng nhức nhối của nạn xâm hại trẻ em, trong đó có xâm hại tình dục.
Theo báo cáo giám sát, từ 1-1-2015 đến 30-6-2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính hơn 8.400 vụ xâm hại trẻ em với hơn 8.700 trẻ em bị xâm hại, trong đó có hơn 6.400 trẻ bị xâm hại tình dục.
Điều đó đã khiến 337 trẻ bị tử vong do bị xâm hại (trong đó 191 trẻ bị giết, 146 trẻ bị các hình thức xâm hại khác dẫn đến tử vong); 418 trẻ có thai do bị xâm hại tình dục; 193 trẻ bị rối loạn tâm thần; 375 trẻ bị thương tật…
Số trẻ em bị xâm hại được phát hiện, xử lý trong giai đoạn 2015-2018 tăng nhiều hơn so với giai đoạn 2011-2014.
Đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 trẻ, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018 (1.779 trẻ). Tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại.
Môi trường giáo dục tưởng như an toàn song vẫn xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em gây bức xúc trong xã hội do giáo viên sử dụng các biện pháp bạo hành; có trường hợp thầy giáo, nhân viên cơ sở giáo dục xâm hại tình dục học sinh, thậm chí đối với cả học sinh nam, như vụ ở Trường Tiểu học – THCS Tam Lập, tỉnh Bình Dương có 13 trẻ bị xâm hại; vụ ở Trường Tiểu học tại huyện Hoài Đức, Hà Nội có 9 trẻ bị xâm hại; vụ Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ xâm hại tình dục 9 học sinh nam trong thời gian dài…
Chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình hình này, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, có nguyên nhân của việc tuyên truyền còn thiếu, yếu, chưa được coi trọng; ngày càng thiếu vắng những bữa cơm gia đình, sự quan tâm đầy đủ của cha mẹ với con cái; tác động mặt trái của mạng xã hội, thời đại 4.0..
ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng sự kết nối giữa xã hội, gia đình, nhà trường với trẻ em; khoan dung với những sai lầm của trẻ. Đặc biệt, cần xử nghiêm, ở mức cao nhất với những đối tượng xâm hại trẻ; không để lọt tội, có như thế mới ngăn chặn được nạn xâm hại trẻ em.
ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) dẫn con số nhức nhối tính trung bình cả nước một ngày có 7 trẻ em bị xâm hại, trong đó phần lớn là trẻ em bị xâm hại tình dục. TPHCM và Hà Nội là 2 trong 10 địa phương có số trẻ em bị xâm hại nhiều nhất trong cả nước (TPHCM có 782 trẻ em; Hà Nội có 655 trẻ em bị xâm hại).
Đáng lưu ý, ở nhiều địa phương có vụ việc bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ, ông nội xâm hại cháu gái, có trường hợp xâm hại tình dục dẫn đến trẻ mang thai, đẻ con; có trường hợp giết con mang tính chất dã man, mất nhân tính.
ĐB Trần Thị Hiền cho rằng, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em vẫn còn nhiều tồn tại, nhiều nơi không coi trọng, không dành kinh phí cho công tác này, con số trẻ bị xâm hại chắc chắn cao hơn con số được báo cáo. …
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu tâm trạng “nóng”, “buồn” với thực trạng xâm hại trẻ em. Trẻ bị xâm hại không chỉ tổn thất nghiêm trọng về thể chất mà để lại tổn thương thậm chí là vĩnh viễn về tinh thần.
"Ai cũng ghét các đối tượng xâm hại trẻ em, không ngờ nhất đó chính là những người thân quen của các em. Đau lòng lắm!", ĐB Nguyễn Ngọc Phương nói.
Cho rằng báo cáo giám sát đã chỉ ra đầy đủ thực tế hiện nay, nhất là mong muốn có một cơ chế chăm sóc và bảo vệ trẻ em hiệu quả, giải pháp để xử lý nhanh, xử nghiêm với những vụ xâm hại trẻ em, ĐB Nguyễn Ngọc Phương cho rằng cần có cơ chế để xử lý nghiêm khắc nhất hành vi ấu dâm; công khai danh tính kẻ xâm hại, ghi vào lý lịch kẻ xâm hại để bảo đảm giảm tỷ lệ vụ xâm hại tình dục trẻ em.
Bên cạnh đó, cần có phòng xử án thân thiện với trẻ, bảo đảm giữ bí mật danh tính, hình ảnh của trẻ; khi lấy lời khai của trẻ cần có bác sĩ tâm lý. Giám định xâm hại trẻ em phải được coi là loại giám định đặc biệt để đẩy nhanh các vụ xét xử.
ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng), ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) và một số ĐB lo lắng, gia đình, giáo dục tưởng chừng là môi trường an toàn nhất cho trẻ, thì đó cũng lại là nơi diễn ra nhiều vụ xâm hại nhức nhối. Do đó, cần có giải pháp để ngăn chặn xâm hại trẻ em ở môi trường này.
ĐB Dương Minh Tuấn đề nghị cần xử lý thật nghiêm trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục nếu để xảy ra xâm hại trẻ em; tăng mức xử phạt, hình phạt tương xứng đối với người vi phạm, hiện nay mức xử phạt đang quá nhẹ; tăng mức xử phạt người xâm hại tình dục trẻ em là người đồng giới. Đề nghị Bộ Xây dựng quy định bắt buộc xây dựng chung cư phải lắp camera, dần tiến tới lắp camera ở nơi công cộng.
Thi "tài năng nhí" cũng là một cách xâm hại trẻ em
ĐB Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) nêu lo lắng về bảo vệ trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng, hiện nay chưa được quản lý chặt chẽ. ĐB cho rằng, Chính phủ cần xây dựng chiến lược dài hạn bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Các cơ quan chức năng cần có giải pháp quản lý môi trường mạng để trẻ em thực sự được an toàn.
Cùng mối quan tâm về việc trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, hiện nay, trẻ em trở thành công dân số từ rất sớm. Mạng mang lại cơ hội học tập cho các em, nhưng cũng mang đến bao rủi ro, nguy cơ bị xâm hại.
Với thực tế Việt Nam đang là quốc gia sử dụng mạng vào loại cao nhất thế giới, ĐB Nguyễn Thị Thủy dẫn số liệu mỗi ngày có 72.000 hình ảnh trẻ em bị xâm hại được đưa lên mạng, cứ 4 trẻ được khảo sát thì có 1 trẻ từng có trải nghiệm buồn bị xâm hại trên mạng. Các phòng chát ảo, các diễn đàn ảo trên mạng để thu hút, lôi kéo các em.
“Ban đầu chúng đóng vai là những người có trình độ, hiểu tâm lý trẻ em, trò chuyện, tạo sự tin cậy, từ đó lôi kéo và đến lúc quay lại quấy rối, xâm hại. Nhiều vụ đóng giả bạn cùng giới, chụp ảnh cơ thể cho nhau xem, sau đó hình ảnh bị đưa lên mạng. Nhiều vụ xâm hại đã xảy ra, để lại tổn thương nghiêm trọng cho trẻ”, ĐB Nguyễn Thị Thủy dẫn chứng.
Theo ĐB Nguyễn Thị Thủy, khi trao cho trẻ một chiếc điện thoại thông minh thì ngay cả trẻ ngồi với cha mẹ trong nhà thì các em vẫn bị xâm hại. Nếu để trẻ tự do dùng mạng, hay cấm đoán, hay kiểm soát thái quá các em đều không có hiệu quả. Quan trọng nhất là các bậc phụ huynh phải hướng dẫn trẻ cách sử dụng mạng an toàn, không bị lôi kéo, dụ dỗ trên mạng. ĐB Nguyễn Thị Thủy đề nghị Bộ GD-ĐT cần đưa nội dung giảng dạy an toàn sử dụng mạng vào môn tin học. Cơ quan công an cần tăng cường khuyến cáo các hành vi xâm hại trẻ trên mạng cho các bậc phụ huynh, học sinh, xã hội để góp phần ngăn ngừa việc xâm hại trẻ trên mạng.
ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nêu một khía cạnh khác khi cho rằng những chương trình truyền hình thực tế, thi thố dành cho "tài năng nhí" cũng là một cách xâm hại trẻ em. Những cạnh tranh khốc liệt giữa các tài năng nhí, biến các em như những con rối trong tay người lớn. Diễn viên 13 tuổi đóng cảnh nóng trong phim, rất bất cập. Những giọt nước mắt, những chiêu trò biến các em thành người lớn, đó có phải là hành vi xâm hại gây tổn thương thể chất, tinh thần của các em hay không khi các em không được sống đúng bản chất, đúng tuổi của mình. Hay đó chỉ là nhằm thỏa mãn sự hãnh tiến của các bậc phụ huynh, lợi nhuận của các nhà sản xuất. Nhiều quốc gia phát triển cấm chương trình thực tế có trẻ em tham gia, đó là cách rất nhân văn nhằm bảo vệ trẻ em.
ĐB Phạm Trọng Nhân cũng cho biết hàng loạt những clip với các hành vi bị cấm, hành vi trái với thuần phong bạo lực tồn tại tràn lan trên mạng và trẻ em vô tư tiếp nhận.
“Xâm hại trẻ em không chỉ là về tình dục, bắt cóc, lao động.. mà đó cũng là những khía cạnh xâm hại trẻ em mà cơ quan quản lý nhà nước, những người làm văn hóa đều phải thực sự cần nhìn nhận lại”, ĐB Phạm Trọng Nhân nêu.
ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) - Thành viên đoàn giám sát - chỉ ra những thực tế chưa có địa phương nào xử lý hành chính hành vi lôi kéo, xúi giục trẻ em của người lớn. Ví dụ có những người xúi giục, lôi kéo trẻ em hút ma túy nhưng không bị xử lý. Nếu các địa phương, nhất là ở cơ sở thực hiện nghiêm việc này thì sẽ hạn chế rất nhiều việc xâm hại trẻ em.