Sáng 25-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
Góp ý về mô hình tổ chức của Văn phòng Công chứng (VPCC), đại biểu Quốc hội (ĐB) Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) đề nghị, cân nhắc việc cho phép lập lại mô hình VPCC tư nhân do 1 công chứng viên thành lập.
Theo ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh, các VPCC tư nhân do 1 công chứng viên thành lập có thể có các công chứng viên hợp đồng nhưng họ không thể chịu trách nhiệm pháp lý đối với hoạt động của văn phòng. Cho nên khi công chứng viên là trưởng VPCC bị tạm đình chỉ hành nghề, bị khởi tố hình sự, qua đời... sẽ phát sinh những bất cập của mô hình này.
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh dẫn chứng, trước đây, tại TPHCM từng có VPCC do 1 công chứng viên thành lập ở một huyện. Văn phòng này thường xuyên đóng cửa, chậm mở cửa vì những lý do cá nhân. Việc này gây ách tắc trong công chứng hợp đồng, giao dịch của người dân.
Tổ chức hành nghề công chứng là hoạt động cung cấp dịch vụ công, không giống như những doanh nghiệp, cửa hàng thông thường, có thể nhờ người khác trực thay, ký thay được.
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho rằng, cần thiết chỉ nên duy trì mô hình VPCC hợp danh để đảm bảo trách nhiệm pháp lý của văn phòng đối với các cơ quan, tổ chức và khách hàng.
Cùng quan tâm đến quy định loại hình tổ chức hành nghề công chứng, ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho biết, bên cạnh loại hình là công ty hợp danh như quy định hiện hành thì nên chăng là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì được thành lập loại hình VPCC chỉ là một công chứng viên, tức là loại hình doanh nghiệp tư nhân.
Vì thực tế hiện nay, phần lớn các VPCC chỉ có một công chứng viên điều hành hoạt động của văn phòng. Do vậy, ĐB Nguyễn Hữu Thông đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cũng nên nghiên cứu nội dung này.
Về thẩm quyền công chứng giao dịch bất động sản, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị, cần cân nhắc đối với đề xuất mở rộng phạm vi các giao dịch về bất động sản được công chứng không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
“Đây là mục tiêu chúng ta hướng tới, nhưng nếu quy định ngay trong giai đoạn hiện nay là hết sức nguy hiểm, chưa phù hợp với thực trạng hiện nay của nước ta”, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh góp ý.
Theo ĐB, việc xây dựng cơ sở dữ liệu về bất động sản hiện nay mới đang bắt đầu ở một số địa phương, sự liên thông cũng chỉ mới bắt đầu, tính chính xác của số liệu và thông tin liên quan cần có quá trình hoàn thiện.
Bên cạnh đó, hạ tầng về trang thiết bị, cơ sở vật chất không đồng đều giữa các địa phương trong cả nước. Cho nên nền tảng xã hội trong vài năm tới chưa đủ để thực hiện được việc bỏ địa hạt công chứng đối với bất động sản. Một thực trạng là tình trạng lừa đảo qua công nghệ chưa được kiểm soát hiệu quả, nên giai đoạn này thận trọng trong việc chưa bỏ địa hạt là cần thiết, hạn chế rủi ro pháp lý trong điều kiện hiện nay.
Góp ý về thủ tục công chứng giao dịch, ĐB Huỳnh Thị Hằng Nga (Trà Vinh) đề nghị, bổ sung thêm quy định về công chứng điều lệ doanh nghiệp thỏa thuận góp vốn trong việc thành lập doanh nghiệp.
Theo ĐB Huỳnh Thị Hằng Nga, quy định này là cần thiết nhằm đảm bảo pháp lý cho các giao dịch quan trọng đối với kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và an ninh kinh tế.
Đồng thời, việc bổ sung quy định này để tránh tình trạng giả mạo chữ ký trong hồ sơ, tài liệu thành lập doanh nghiệp. Từ đó, hạn chế khai khống vốn điều lệ, hợp thức hóa các hành vi rửa tiền, mua bán hóa đơn thông qua thành lập khống doanh nghiệp.
Cùng với đó, hạn chế tình trạng thành lập hàng loạt "công ty ma" làm ăn phi pháp. Những "công ty ma" này khi cơ quan chức năng phát hiện tổ chức buôn lậu, mua bán hóa đơn giá trị gia tăng, giám đốc là xe ôm, bán bún bò...