Đề nghị coi hành vi mua bán thai nhi là mua bán người

Đại biểu đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, bao gồm cả việc mua bán nội tạng và các hành vi khai thác sức lao động bất hợp pháp; việc mua bán thai nhi.

Đã có 80 lượt đại biểu Quốc hội (ĐB) góp ý về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) tại phiên họp tổ, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết trong bản tổng hợp ý kiến vừa được gửi đến ĐB để chuẩn bị cho phiên thảo luận tại hội trường ngày 24-6. Nhiều ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật.

MUA BÁN.png
Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) tại phiên họp toàn thể ngày 24-6. Ảnh minh họa

Một số ý kiến nhận định các quy định của dự thảo Luật cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của hệ thống pháp luật, song đề nghị tiếp tục rà soát, bởi vì luật này có phạm vi rất rộng, liên quan tới nhiều đạo luật khác nhau như Bộ luật Hình sự, Luật Cảnh sát biển, Luật Biên phòng, Luật Giáo dục, Luật Trẻ em, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp. Một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát để nội luật hóa đầy đủ hơn một số quy định của các công ước quốc tế có liên quan và Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Nghị định thư Palermo), Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Công ước ACTIP)…

Trong số các vấn đề cụ thể, có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, bao gồm cả việc mua bán nội tạng và các hành vi khai thác sức lao động bất hợp pháp; việc mua bán thai nhi. Có ý kiến đề nghị xem xét làm rõ hành vi thỏa thuận với nhau với mục đích để lấy, tặng, cho nội tạng có được coi là hành vi mua bán người thuộc phạm vi điều chỉnh của luật hay không…

Về các hành vi bị nghiêm cấm, các ý kiến đề nghị bổ sung nhiều hành vi như: bắt cóc; cho nạn nhân uống thuốc ngủ, thuốc mê, uống rượu, bia hoặc các chất thích mạnh khác làm nạn nhân lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi; đầu độc nạn nhân; lợi dụng việc môi giới hôn nhân, môi giới đưa người đi lao động ở nước ngoài; lợi dụng chức vụ quyền hạn, lợi dụng tình thế bị lệ thuộc và lợi dụng tình thế dễ bị tổn thương hoặc là tình trạng quẫn bách của nạn nhân; dụ dỗ, lôi kéo; môi giới mua bán nội tạng với mục đích kinh tế; mua bán trẻ sơ sinh, thai nhi.

Các hành vi giả mạo là thân nhân của nạn nhân; giả mạo người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; lợi dụng pháp luật về xuất khẩu lao động, kết hôn với người nước ngoài, cho con nuôi du lịch... để thực hiện các hành vi mua bán người; né tránh, đùn đầy trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong tiếp nhận, xử lý, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân cũng được đề nghị bổ sung vào nội dung “nghiêm cấm”.

Về chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người, một số ý kiến đề nghị ưu tiên bố trí ngân sách cho những vùng có tình hình mua bán người xảy ra nghiêm trọng, phức tạp và khu vực biên giới; vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; đối tượng yếu thế; đồng thời rà soát để bảo đảm không chồng chéo với 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã được phê duyệt.

Tin cùng chuyên mục