Theo các mô hình cảnh báo bão của các trung tâm khí tượng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, rạng sáng 28-9, tâm bão số 4 sẽ đổ bộ vào đất liền Trung bộ, nhưng từ đêm 27-9, hoàn lưu trước bão đã ảnh hưởng tới đất liền.
Thông tin thêm về cơn siêu bão này, ông Trần Quang Năng, chuyên gia khí tượng thuộc Tổng cục Khí tượng - Thủy văn (Bộ TN-MT) cho biết, ngày 27-9, bão đã giật tới cấp 17 trên Biển Đông và khi vào tới bờ biển Trung bộ vào sáng 28-9, bão vẫn còn giật tới cấp 15. "Đây là những số liệu lịch sử mà ngành khí tượng của nước ta chưa từng ghi nhận”, ông Trần Quang Năng nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia này, các cơn bão trước đây thường chỉ gây biển động, sóng cao 3-4m, nhưng bão số 4 sẽ tạo ra những cột sóng cao 4-6m, sóng vùng tâm bão cao 6-8m. “Với những cấp gió lớn như vậy thì ngay cả những tàu có trọng tải lớn đều có thể bị bão đánh đắm. Sức tàn phá của bão số 4 là rất lớn”, ông Trần Quang Năng cảnh báo.
Đáng chú ý, khi đổ bộ vào đất liền, cơn bão vẫn còn sức gió mạnh cấp 12-14, giật cấp 15. Đây cũng là sức gió lịch sử mà từ trước tới nay chúng ta chưa ghi nhận được, vì trên đất liền, giới hạn quan trắc của chúng ta là cấp 13. Nhiều công trình thiếu kiên cố sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
"Để bảo vệ tính mạng người dân, các địa phương cần thực hiện lệnh giới nghiêm trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày 27-9 đến 7-8 giờ sáng 28-9 vì đây là khoảng thời gian rất nguy hiểm. Nhất là người dân tại khu vực từ Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đến Bắc Bình Định cần tìm nơi trú ẩn an toàn”, ông Trần Quang Năng đề nghị.
Cập nhật đến chiều 27-9 từ Tổng cục Phòng chống thiên tai, còn 3 tàu với 20 người của tỉnh Bình Định còn trong vùng nguy hiểm của cơn bão (giảm 6 tàu so với báo cáo trưa cùng ngày). Tuy nhiên các tàu này tiếp tục di chuyển thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định có 20.712ha và 4.571 lồng, bè nuôi trồng thủy sản. Người dân tại các tỉnh này đã gia cố lồng bè, hoàn thành sơ tán trước 17 giờ.
Còn theo báo cáo tổng hợp của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đến 15 giờ chiều 27-9, các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định đã lên kế hoạch sơ tán tổng cộng 97.391 hộ dân với 342.551 người, nhưng mới thực hiện được với 22.668 hộ dân với 70.614 người.
Bên cạnh đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đã chủ trì, phối hợp gửi tin nhắn cảnh báo bão số 4 và hướng dẫn các biện pháp phòng tránh cho nhiều người dân.
Đến đầu giờ chiều 27-9, có 4,8 triệu người đã nhận được tin (qua Zalo) tại các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai. Các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và TP Đà Nẵng đã có kế hoạch cho học sinh nghỉ học từ ngày 27-9.
Các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định dự kiến sẽ cấm xe cộ và mọi hoạt động không cần thiết trên quốc lộ 1 từ 18 giờ đến 21 giờ đêm 27-9.