Chiều 9-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022. Nhiều ý kiến tại phiên thảo luận có góp ý rất xác đáng với công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế trong giai đoạn hiện nay.
Phát biểu từ điểm cầu TPHCM, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến phát triển KT-XH đất nước. Tuy nhiên, chúng ta còn nhiều tiềm năng và cơ hội để tăng tốc. Điểm ra một loạt các tiềm năng, lợi thế để phục hồi và phát triển kinh tế đất nước, như nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao; thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, châu Âu đang phục hồi mạnh. Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 14 FTA đã có hiệu lực…
ĐB Trần Hoàng Ngân bày tỏ đồng tình với các chỉ tiêu, giải pháp Chính phủ đã nêu trong báo cáo trước Quốc hội, trong đó có chỉ tiêu tăng GDP 6 - 6,5% có thể đạt được, nếu kiểm soát được dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng có thể còn cao hơn nữa. ĐB đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các giải pháp như tiếp tục tập trung phòng chống dịch bệnh; đầu tư cho y tế cơ sở; đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, tiến tới tự chủ vaccine phòng Covid-19.
“Đến nay cả nước mới giải ngân khoảng 65% tổng nguồn vốn đầu tư công, còn trên 160.000 tỷ đồng cần giải ngân tạo đà phát triển cho giai đoạn tới. Đặc biệt, năm 2022 kế hoạch vốn đầu tư công cả nước là 560.100 tỷ đồng, rất lớn, vừa là cơ hội vừa là thử thách lớn, cần giải ngân tập trung vào khu vực trọng điểm, có tính động lực lan tỏa”, ĐB Trần Hoàng Ngân nói. |
Để tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 6-6,5%, ĐB Trần Hoàng Ngân cho biết cần huy động vốn đầu tư xã hội trên 3 triệu tỷ đồng, trong đó vốn trong dân là gần 2 triệu tỷ đồng.
“Cần đẩy mạng tăng cường huy động vốn xã hội, muốn thế phải có gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, đề nghị có gói hỗ trợ lãi suất từ 2-3% cho doanh nghiệp và kéo dài trong 2 năm. Như vậy sẽ cần 40.000 - 60.000 tỷ đồng, nguồn này có thể lấy từ đầu tư công mà chưa phân bổ”, ĐB Trần Hoàng Ngân đề xuất và cho rằng, những giải pháp này rất cần được Chính phủ xem xét.