Bộ Công thương có trách nhiệm?
Cơ quan tố tụng cho rằng, đáng lẽ bị cáo Mừng phải chấm dứt hợp đồng với MCC, thu hồi tiền tạm ứng; báo cáo người có thẩm quyền để hủy đấu thầu, cho đấu thầu lại. Tuy nhiên, bị cáo Mừng lại chỉ đạo để đàm phán theo yêu cầu của MCC; ký văn bản đề nghị tăng giá phần C (xây lắp) trong hợp đồng EPC của dự án.
Viện Kiểm sát cũng cáo buộc bị cáo Mừng giới thiệu và chấp thuận cho Tổng Công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) làm nhà thầu phụ. Từ đó, VINAINCON không đủ năng lực nên năm 2011 đã dừng thi công, khiến dự án đến nay chưa hoàn thành.
Bào chữa cho bị cáo Trần Trọng Mừng, luật sư Đinh Anh Tuấn cho rằng, cần xem xét trách nhiệm của Bộ Công thương khi giới thiệu VINAINCON tới các bị cáo trong vụ án để họ chọn làm nhà thầu phụ.
Theo luật sư Đinh Anh Tuấn, trách nhiệm chính trong việc giới thiệu VINAINCON phải thuộc về Bộ Công thương; TISCO và Tổng Công ty Thép Việt Nam - VNS chỉ phải chịu trách nhiệm liên đới.
Liên quan tới cáo buộc thất thoát 830 tỷ đồng, chấp thuận cho VINAINCON làm nhà thầu phụ, các bị cáo là cựu lãnh đạo tại TISCO và VNS khai, họ chấp nhận vì có văn bản của Bộ Công thương do một Thứ trưởng ký. Tại văn bản, Bộ Công thương cho hay, VINAINCON là doanh nghiệp của Bộ, có năng lực tốt.
“Chọn VINAINCON vì theo kinh nghiệm”
Giải thích cho đại diện VINAINCON hiểu, thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết, việc lựa chọn nhà thầu cũng là một hình thức đấu thầu trong Luật Đấu thầu, mà trong Luật Đấu thầu điều chỉnh có hồ sơ dự thầu; chỉ khác nhau là việc đưa ra đấu thầu công khai hay chỉ định thầu, chỉ định thầu cũng là một dạng đấu thầu.
“Trong hợp đồng EPC có quy định, tổng thầu MCC có quyền lựa chọn nhà thầu theo phương thức đấu thầu hoặc chỉ định thầu. Cũng trong hợp đồng đó, quy định trách nhiệm nhà thầu phụ thuộc về MCC; MCC lựa chọn nhà thầu phụ dựa trên cơ sở đấu thầu hoặc chỉ định thầu. Đấu thầu hay chỉ định thầu suy cho cùng đều được điều chỉnh trong Luật Đấu thầu. Chuẩn bị thầu sẽ gồm có hồ sơ yêu cầu, trong đó chủ dự án sẽ yêu cầu cần phải làm những công việc gì, hiệu quả kinh tế kỹ thuật ra sao, tiến độ về thời gian, thiết kế công trình, đánh giá tác động môi trường của dự án như thế nào…Có lẽ ông không hiểu hồ sơ yêu cầu là gì”, thẩm phán Trương Việt Toàn nói.
Cũng theo thẩm phán Trương Việt Toàn, lựa chọn nhà thầu, chỉ định thầu hay đấu thầu đều được điều chỉnh trong Luật Đấu thầu; các bước ban đầu đều có hồ sơ dự thầu, trong hồ sơ dự thầu có hồ sơ yêu cầu.
“Tôi hỏi như vậy để xem áp lực như thế nào. Bởi tất cả bị cáo ở TISCO đều khai việc lựa chọn VINAINCON, đây là đơn vị thiếu năng lực, thiếu kinh nghiệm. Và việc dựa vào hồ sơ yêu cầu đó, VINAINCON đã đáp ứng theo hồ sơ yêu cầu như thế nào, để xem đúng là có năng lực hay không có năng lực”, thẩm phán Trương Việt Toàn đặt vấn đề.
Trong khi đó, ông Hoàng Chí Cường tiếp tục khẳng định, doanh nghiệp mình làm nhà thầu phụ và chưa bao giờ nhận được hồ sơ yêu cầu của TISCO và MCC.
Thẩm phán Trương Việt Toàn tiếp tục truy: “Vậy trên cơ sở nào để ký hợp đồng 3 bên?”
“Ký hợp đồng 3 bên trên cơ sở năng lực và kinh nghiệm của VINAINCON đối với những công trình trước đây đã thực hiện”, đại diện VINAINCON nói.
Thẩm phán Trương Việt Toàn ngắt lời: “Nhưng, trên thực tế có những việc không thể theo chủ nghĩa kinh nghiệm được. Ông thấy năng lực cụ thể của VINAINCON trong dự án này ra sao?”
Xin được trình bày thêm, ông Hoàng Chí Cường cho hay, VINAINCON đã từng làm rất nhiều công trình lớn từ những năm 1960, như Apatit Lào Cai, tham gia xây dựng Khu Gang thép Thái Nguyên từ đầu, Supe Lâm Thao, các công trình về thép, thủy điện…
“Đó là những thành tích, đây không phải là cuộc họp để nêu thành tích, khen thưởng thi đua”, thẩm phán Trương Việt Toàn đề nghị ông Cường tập trung vào câu hỏi…