Đề nghị cho biết rõ hơn về nhà tiên phong đấu tranh cho nữ quyền Nguyễn Thị Manh Manh

Hỏi:

Hỏi: Trên báo “Phụ nữ Tân Văn” (số 243 ngày 24-5-1934) có tường thuật buổi diễn thuyết tại Hội Quảng Trị (Huế) với đề tài “Dư luận nam giới đối với phụ nữ tân tiến” của nữ sĩ Nguyễn Thị Manh Manh. Đề nghị cho biết rõ hơn về nhà tiên phong đấu tranh cho nữ quyền này.
Vân Đài (Châu Thành, Mỹ Tho)

KHÁNH TƯỜNG: Nguyễn Thị Manh Manh, tên thật là Nguyễn Thị Kiêm, sinh năm 1914 tại Gò Công, theo học Trường Áo Tím Sài Gòn (Trường Nguyễn Thị Minh Khai bây giờ), đậu bằng Thành chung năm 1932 và gia nhập làng báo, đầu tiên là tờ Phụ Nữ Tân văn và sau đó là các tờ Công Luận, Việt Nam, Nữ lưu, Việt dân.

Bà Manh Manh được phong tặng là “Nữ tiên phong thơ mới ở Nam kỳ” (báo Mai). Chẳng những góp mặt trên văn đàn, bà còn mạnh dạn diễn thuyết để đấu tranh cho nữ quyền. Ngoài buổi diễn thuyết ở Huế với đề tài “Dư luận nam giới đối với phụ nữ tân tiến” (Trong bài diễn thuyết này bà đã đặt vấn đề “làm thế nào để giải phóng phụ nữ khỏi những lễ giáo hủ bại, binh vực quyền lợi phụ nữ…”), bà còn diễn thuyết ở Hà Nội với đề tài “Một ngày của người đàn bà tân tiến” (9-1934); ở Nam Định với đề tài “Có nên tự do kết hôn không?” (11-1943) và ở Hải Phòng với đề tài “Có nên bỏ chế độ đa thê không?”

Nhà văn Thẩm Thệ Hà viết về Nguyễn Thị Manh Manh như sau: “Chẳng những viết báo, cô Nguyễn Thị Kiêm còn đăng đàn diễn thuyết về thơ mới. Nguyễn Thị Manh Manh chứng tỏ là con người đa tài: làm thơ, viết văn, lý luận, phê bình nhất là diễn thuyết lưu loát, hùng hồn, đôi khi châm biếm duyên dáng, tế nhị, có khả năng lôi cuốn, thuyết phục người nghe” (theo Thiện Mộc Lan và Thanh Việt Thanh).

Tin cùng chuyên mục