Bà Nguyễn Phương Thủy nhận định, để kịp thời kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, trên cơ sở quyết định đúng đắn, kịp thời của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch, bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, đây cũng là hoạt động chưa từng có tiền lệ, trong đó có nhiều biện pháp có tác động đến quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Do đó, trong năm 2021, ngoài đánh giá về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ cũng cần có đánh giá cụ thể về việc các biện pháp, giải pháp phòng chống dịch bệnh có tính chất quy phạm.
Khi thảo luận thông qua Nghị quyết số 30/2021/QH15, Quốc hội cũng đã nêu yêu cầu Chính phủ phải rà soát, tổng kết, đánh giá về vấn đề này để từ đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung các luật liên quan.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho biết, năm 2021, số lượng văn bản chỉ đạo, điều hành, đưa ra các quy định rất nhiều không chỉ ở Trung ương, bộ, ngành mà cả ở địa phương. Phần lớn các văn bản đều có hiệu lực thi hành ngay, không có thời gian để tổ chức tuyên truyền, phổ biến để người dân có thể nắm bắt thông tin, quy định. Nhiều văn bản ảnh hưởng trực tiếp đến quyền của người dân và doanh nghiệp nhưng công tác thông tin phổ biến các quy định có rất nhiều bất cập.
Thời gian qua, người dân, doanh nghiệp rất khó nắm bắt đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo điều hành, các văn bản về áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch ở trung ương và địa phương, nhất là quy định khác nhau giữa các địa phương.
Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thi hành Hiến pháp, pháp luật, cũng như tuân thủ pháp luật của người dân, doanh nghiệp và xã hội. Do đó, cần có đánh giá thực tiễn một cách cụ thể.
Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra cần có thêm nội dung đánh giá bối cảnh, tình hình của năm 2021. Quốc hội trao quyền chủ động mạnh mẽ cho Chính phủ, Chính phủ tích cực triển khai và việc cụ thể tại các địa phương cũng rất đa dạng. Nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh được quy định trong nhiều văn bản từ nghị quyết đến Chỉ thị, thậm chí công điện, công văn.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Thanh Tùng, không nên lạm dụng thẩm quyền này mà những nội dung nào có thể ban hành trong văn bản quy phạm pháp luật thì cần quy định trong văn bản quy phạm pháp luật theo quy trình rút gọn để vẫn bảo đảm tính khẩn trương, kịp thời.
Song song với quá trình đó, các cơ quan cần có tổng kết, đánh giá để có đề xuất với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan như Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Khám, chữa bệnh, Luật Đấu thầu…