Ngày 23-7, tại Hà Nội, tiếp tục chương trình giám sát về việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Phó trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Văn Giàu dẫn đầu, đã làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và đại diện cộng đồng doanh nghiệp.
Báo cáo với Đoàn giám sát về vấn đề này, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, nhận thức của doanh nghiệp về các FTA còn hạn chế, hầu hết các doanh nghiệp đều đã “nghe nói” tới các FTA nhưng tỷ lệ các doanh nghiệp hiểu biết sâu về các FTA hầu như rất thấp.
“Phần lớn doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế (trong đó có việc thực hiện các FTA). 2 yếu tố lớn nhất cản trở doanh nghiệp hưởng lợi từ FTA lần lượt là: tình trạng thiếu thông tin về cam kết và cách thức thực hiện; bất cập trong công tác tổ chức thực thi của các cơ quan quản lý nhà nước”, ông Vũ Tiến Lộc phát biểu.
Là đại biểu Quốc hội (tỉnh Thái Bình), Chủ tịch VCCI kiến nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo định kỳ về kết quả thực thi các FTA, so sánh với các dự báo đánh giá tại thời điểm phê chuẩn, kế hoạch tổng thể thực thi, nhận diện bất cập, nguyên nhân và các giải pháp xử lý. Quốc hội cũng cần định kỳ rà soát các khung khổ pháp luật và kịp thời điều chỉnh chương trình lập pháp nhằm đáp ứng các yêu cầu thực hiện các FTA cho phù hợp.
Tại buổi làm việc, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp thừa nhận chưa hiểu hết các đối tác mới trong một số FTA gần đây mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nhiều quy định, cam kết trong FTA vô cùng phức tạp, phần lớn doanh nghiệp không thể tự tìm hiểu mà cần một cơ quan đầu mối hướng dẫn cụ thể việc tuân thủ các cam kết cũng như tận dụng ưu đãi của các FTA.
Ghi nhận các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị VCCI tiếp tục tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định chính sách liên quan đến cộng đồng doanh nghiệp; kết nối doanh nghiệp với các đầu mối, cơ quan nhà nước nhằm thực hiện các FTA một cách hiệu quả; thúc đẩy liên kết doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Về phần mình, các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề cũng cần chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu và phổ biến thông tin về các FTA cho doanh nghiệp; tích cực, chủ động đóng vai trò đầu mối thông tin cho doanh nghiệp.