Về dự thảo Luật CAND sửa đổi, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định cụ thể về 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng trong CAND, gồm 1 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng và 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng; quy định Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, Trung đoàn trưởng có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá.
ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) đồng ý bổ sung vào luật cấp bậc hàm Đại tá đối với Trưởng Công an TP Thủ Đức, vì TP sáp nhập trên cơ sở 3 quận. Bên cạnh đó các huyện ngoại thành của TPHCM như Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè… đều có quy mô dân số 700.000 dân, rất lớn, do đó đề nghị bổ sung quy định cấp bậc hàm Đại tá đối với trưởng công an của các huyện này, cũng như một số huyện của Hà Nội.
ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC |
Về đề xuất tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, công nhân công an, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho rằng, kéo dài tuổi phục vụ nghe rất mông lung, nếu kéo dài thì có thể tận dụng, phát huy được chất xám, kinh nghiệm, nhưng đề nghị chỉ kéo dài ở vị trí chuyên môn, không nên ở vị trí quản lý. Thực tế, ngành công an là ngành nguy hiểm, nặng nhọc, nhiều người có thể không muốn làm việc kéo dài, do đó đề nghị cân nhắc vấn đề này. Tương tự ở cả những ngành khác cũng vậy, nếu kéo dài tuổi làm việc thì chỉ nên ở vị trí chuyên môn.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC |
Có ý kiến ĐB đề nghị vấn đề này cần đánh giá cụ thể, chi tiết, bởi đó là vấn đề mới, không nên đưa vào luật. Một số ý kiến dù tán thành nhưng cũng đề nghị cần xem xét kỹ vấn đề này để bảo đảm có sự đồng bộ, không chênh lệch về tuổi phục vụ của các ngành nghề. Thực tế, hiện nay cử tri thì đề nghị giảm tuổi nghỉ hưu cho đối tượng giáo viên, trong đó có đội ngũ giáo viên mầm non; còn bên quân đội thì tuổi nghỉ hưu lại đang quá sớm…
Do đó, nhiều ĐB cho rằng, việc nâng tuổi phục vụ của công an, sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân theo tiến trình tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động là cần thiết. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ tuổi phục vụ cho phù hợp với tính chất lao động đặc biệt của lực lượng vũ trang. Bởi lực lượng công an làm việc rất vất vả trong đấu tranh phòng chống tội phạm. "Độ tuổi 60 mà làm cảnh sát cơ động hoặc chiến đấu trong phức tạp, đấu tranh với lực lượng buôn bán ma túy, tội phạm phức tạp khác sẽ rất khó. Theo tôi cần phải nghiên cứu cụ thể việc tăng hạn tuổi phục vụ tùy thuộc vào từng đối tượng", ĐB Mai Văn Hải (Thanh Hóa) nêu.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới phát biểu tại phiên thảo luận tổ, chiều 27-5. Ảnh: QUANG PHÚC |
Theo dự thảo, quy định Cấp úy, Thiếu tá, Trung tá, Thượng tá giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị trong sáng, có nguyện vọng thì Bộ trưởng Bộ Công an cho kéo dài thời gian công tác, nhưng không quá 62 tuổi với nam, và 60 tuổi với nữ. ĐB Mai Văn Hải cho rằng không nên trao quyền cho Bộ trưởng thực hiện kéo dài thời gian công tác, bởi căn cứ cho kéo dài rất định tính.
Đối với quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND, ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đề nghị, phải tập trung cho công an cấp tỉnh, vì họ rất vất vả, không nên để công an tỉnh bị thiệt thòi so với cấp Trung ương…
Giải trình lại ý kiến các ĐB, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, nhiều ý kiến của ĐB rất mới, cơ quan thẩm tra sẽ thảo luận với ban soạn thảo để tiếp thu. Đơn cử như vấn đề cấp bậc hàm cao nhất đối với sĩ quan CAND biệt phái khi được Đảng phân công và được Quốc hội bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội; Trưởng công an TP Thủ Đức... cơ quan thẩm tra sẽ trao đổi lại với Chính phủ.