Chiều 12-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Brendan Nelson, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Boeing kiêm Chủ tịch Boeing toàn cầu.
Nhấn mạnh vai trò của ngành hàng không với phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam coi trọng phát triển ngành hàng không với nhiều sân bay đang được xây dựng ở nhiều tỉnh, thành phố, nhiều đường bay được khôi phục và mở mới sau đại dịch Covid-19. Với mức sống người dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu giao lưu, đi lại ngày càng tăng, Việt Nam lại có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, ngành hàng không và kinh tế hàng không càng có tiềm năng và điều kiện phát triển trong những thập niên tới.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam coi Boeing là đối tác quan trọng và dài hạn trong việc phát triển ngành hàng không dân dụng; cảm ơn Boeing đã hỗ trợ Cục Hàng không Việt Nam đạt tiêu chuẩn của Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ, tạo điều kiện để cho phép mở đường bay thẳng giữa hai nước; đánh giá cao Boeing đã có cách tiếp cận linh hoạt để duy trì các thỏa thuận cung cấp máy bay cho các hãng hàng không của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và bất ổn của ngành hàng không quốc tế. Thủ tướng đề nghị Boeing tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành hàng không, công nghiệp hàng không với tầm nhìn dài hạn.
Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Boeing Brendan Nelson đánh giá Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu. Boeing sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư, hợp tác tại Việt Nam với cam kết dài hạn, tăng cường hợp tác với các hãng hàng không và các đối tác Việt Nam, từ đó góp phần phát triển bền vững ngành hàng không và công nghiệp hàng không Việt Nam, đóng góp cho cho quan hệ toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam.
* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Ki Tack Lim, Tổng Thư ký Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành hàng hải với Việt Nam, Thủ tướng cho biết, Việt Nam có hơn 3.000km bờ biển, nằm trên tuyến hàng hải quốc tế huyết mạch nối hai đại dương lớn là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, khu vực có nền kinh tế phát triển năng động và tốc độ tăng trưởng cao. Việt Nam coi phát triển kinh tế biển là một trong những mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước, hiện Việt Nam có 34 cảng biển đang hoạt động. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống cảng biển để nâng cao năng lực vận tải, dịch vụ hậu cần sau cảng, giảm chi phí logisitcs, đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường biển.
Thủ tướng đề nghị IMO hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật hàng hải và tham gia ký kết, triển khai các điều ước quốc tế về hàng hải nhằm bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và quyền tự do hàng hải, bảo vệ môi trường biển, đảm bảo quyền tự do đi lại trên biển được thông suốt, thuận lợi.