Theo tờ trình của Chính phủ, chương trình hướng đến mục tiêu đến năm 2025 cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; ít nhất 15 tỉnh thành trực thuộc Trung ương được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Về bố trí vốn ngân sách trung ương cho chương trình, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết, đa số thành viên Chính phủ đều nhất trí việc giai đoạn 2021-2025 cần bố trí cho chương trình khoảng 51.500 tỷ đồng và Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, phê duyệt vốn này từ ngân sách trung ương, đồng thời giao Chính phủ nghiên cứu, tìm nguồn bố trí 11.868 tỷ đồng trong tổng số 51.500 tỷ đồng.
Lưu ý khi cho rằng trước đó Hội đồng Thẩm định nhà nước nhận định, tổng vốn ngân sách trung ương của chương trình giai đoạn 2021-2025 chỉ bố trí được khoảng 39.632 tỷ đồng, bà Vũ Thị Lưu Mai, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, băn khoăn về tính khả thi của con số 51.500 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương và đề nghị chọn phương án 39.632 tỷ đồng do giai đoạn tới đây, số tăng thu sẽ không lớn. Hơn nữa, do ảnh hưởng của dịch, lộ trình vaccine còn rất dài sẽ tác động lớn đến sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, thời gian tới nhiệm vụ chi ngân sách cũng rất lớn. Nhiều khoản nợ công đến thời gian trả.
Điều hành phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, phương án 51.500 tỷ đồng hay 39.632 tỷ đồng đều có những lý do xác đáng, song vấn đề nhiều đại biểu quan tâm hơn cả là cân đối, phân bổ, sử dụng nguồn lực sao cho tránh lãng phí. “Cá nhân tôi ủng hộ phương án đầu tư nhiều hơn cho nông thôn mới”, ông nói.
Sau khi hoàn thiện thêm, Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tại kỳ họp thứ nhất vào tháng 7 tới đây.