Đề nghị bổ sung vấn đề "kiểm soát quyền lực nhà nước"

Ngày 15-5, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị xin ý kiến góp ý dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029.

Hội nghị xin ý kiến góp ý dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029
Hội nghị xin ý kiến góp ý dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cho rằng, dự thảo báo cáo chính trị cần được diễn đạt theo hướng thời sự và mạnh mẽ hơn, phải thể hiện được vai trò của MTTQ Việt Nam khi cùng với nhân dân chung tay xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc.

Theo ông Nguyễn Ngọc Minh, báo cáo cần tạo được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, điển hình là các hoạt động phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cần phải tạo cơ hội để chấn chỉnh, sàng lọc, đánh giá chất lượng cán bộ, xây dựng được bộ máy trong sạch, có chất lượng cao, có đầy đủ năng lực, đạo đức.

Ông Minh cũng nhấn mạnh, phải phát huy những thế mạnh của Việt Nam đối với việc tăng tốc chiếm lĩnh những đỉnh cao trong phát triển kinh tế - xã hội, xuất khẩu nông nghiệp, chế biến hải sản; công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, sản xuất chíp bán dẫn… Đây là lĩnh vực mà Việt Nam có cơ hội để bứt phá.

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.jpg
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Cho ý kiến vào báo cáo chính trị, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam đề cập đến việc bổ sung thêm vấn đề "kiểm soát quyền lực nhà nước". Hiến pháp năm 2013 đã tạo nền tảng hiến định cho các cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, trong đó có vai trò của MTTQ Việt Nam thông qua giám sát và phản biện xã hội. Đến nay, dù cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước đã ra đời bằng việc thể chế hóa trong Luật MTTQ Việt Nam về giám sát và phản biện xã hội, nhưng hiện vẫn chưa quy định đầy đủ trình tự, thủ tục, hiệu lực cũng như trách nhiệm của đối tượng chịu sự giám sát và phản biện xã hội.

Ông Trần Đình Phùng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X cần nhấn mạnh hơn việc mở rộng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, liên minh giai cấp công nhân, nông dân, trí thức, công tác dân tộc, tôn giáo, kiều bào. Trong vấn đề phát huy vai trò của mặt trận tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, tích cực tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực, giám sát và phản biện xã hội, cần có thêm nội dung và kết quả thực hiện, từ đó góp phần nâng cao lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng…

Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 sẽ được hoàn thiện để trình xin ý kiến tại hội nghị Đoàn Chủ tịch và hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục