Đề nghị bổ sung sắt, kẽm vào bột mì, đưa vitamin A vào dầu ăn

Thiếu máu do thiếu sắt sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược, suy giảm chức năng nhận thức, tăng nguy cơ sinh non và trẻ nhẹ cân. Trong khi đó, thiếu kẽm trong cơ thể gây chậm phát triển, suy giảm chức năng miễn dịch

Đề nghị bổ sung sắt, kẽm vào bột mì, đưa vitamin A vào dầu ăn

Ngày 11-10, Bộ Y tế tổ chức hội thảo góp ý dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 09/2016/NĐ-CP (Nghị định 09) về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Tại hội thảo, đại diện Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, qua điều tra về dinh dưỡng giai đoạn năm 2019-2020, trên toàn quốc có đến 60% trẻ dưới 5 tuổi thiếu kẽm và cứ 3 trẻ thì có 1 trẻ thiếu sắt, đặc biệt, thiếu kẽm thường đi đôi thiếu sắt và ngược lại.

2.jpg
Hội thảo góp ý sửa đổi nghị định 09

Hơn nữa, nghiên cứu của Tổ chức Dinh dưỡng Đông Nam Á cũng cho thấy, bữa ăn hàng ngày của trẻ em Việt Nam thiếu đến 50% nhu cầu vi chất, điển hình là kẽm và sắt. Về phía Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng có đánh giá Việt Nam nằm trong nhóm 26 nước thiếu hụt i-ốt, vì vậy, rất cần có biện pháp can thiệp trong cộng đồng, bảo đảm người dân không bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng.

byt20230531103623.jpg
Cho trẻ uống bổ sung vitamin A

Trong khi đó, sau 7 năm thi hành Nghị định 09, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối i-ốt trong cộng đồng đạt chuẩn đã giảm, nhất là ở trẻ em thấp hơn mức khuyến cáo của WHO. Cùng với đó, tỷ lệ sử dụng i-ốt không đạt chuẩn so với khuyến cáo của WHO còn có trong nhóm phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chỉ đạt khoảng 50% và hộ gia đình chỉ đạt 27%, trong khi khuyến cáo của WHO là 90%.

Trước thực tế trên, nhiều chuyên gia đã đề nghị trong dự thảo sửa đổi Nghị định 09 cần tiếp tục có quy định thực hiện tăng cường bổ sung i-ốt vào muối dùng để ăn trực tiếp và muối dùng trong chế biến thực phẩm; tăng cường sắt, kẽm vào bột mì, vitamin A vào dầu ăn để bảo đảm phòng chống thiếu hụt vi chất ở cộng đồng, góp phần thực hiện các mục tiêu Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng gây ra một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Trong đó, thiếu hụt i-ốt gây ra tình trạng bướu cổ, suy giáp, suy giảm nhận thức, chậm phát triển và đần độn. Thiếu máu do thiếu sắt sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược, suy giảm chức năng nhận thức, chậm phát triển ở trẻ; đồng thời, giảm khả năng lao động và năng suất, tăng nguy cơ sinh non và trẻ nhẹ cân. Thiếu kẽm gây chậm phát triển, suy giảm chức năng miễn dịch, rụng tóc, tiêu chảy, vết thương chậm lành và suy giảm nhận thức. Thiếu vitamin A gây ra tình trạng quáng gà, khô mắt, dễ mắc bệnh nhiễm trùng và tử vong cao hơn.

Tin cùng chuyên mục