Báo cáo tại phiên họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của Nhà nước về công tác BHYT. Đồng thời, khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật BHYT hiện hành và đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong tình hình mới.
Về các chính sách trong đề nghị xây dựng luật, Bộ Y tế đã lập đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Hồ sơ đề nghị xây dựng luật đã được Chính phủ xem xét, cho ý kiến với 4 chính sách: điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; điều chỉnh các quy định về BHYT có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh BHYT; phân bổ sử dụng quỹ BHYT hiệu quả.
Trên cơ sở hồ sơ đề nghị xây dựng luật đã được chuẩn bị, Chính phủ đề nghị UBTVQH xem xét cho phép bổ sung dự án Luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại một kỳ họp (kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV).
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về lý do chưa sửa đổi toàn diện Luật BHYT, lộ trình sửa đổi toàn diện luật này để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về BHYT và khắc phục toàn diện các hạn chế, vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra trong tổ chức thực hiện BHYT.
Tuy nhiên, một số tài liệu cần được tiếp tục hoàn thiện như: báo cáo tổng kết thực hiện Luật BHYT cần cập nhật đến thời điểm trình (tháng 8-2024); báo cáo đánh giá tác động chính sách cần bổ sung đánh giá tác động tài chính của một số chính sách đến quỹ BHYT.
Ủy ban cũng đề nghị làm rõ một số nội dung tại 4 nhóm chính sách, trong đó lưu ý về điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, có cơ chế bảo đảm để người lao động tham gia BHYT bắt buộc được chuyển sang tham gia BHYT tự nguyện trong trường hợp người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội để tiếp tục duy trì quyền lợi BHYT của người lao động…
Về điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn, Ủy ban đề nghị nghiên cứu sửa đổi quy định có liên quan để bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT trong trường hợp phải tự mua thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục BHYT chi trả do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thiếu thuốc, vật tư y tế, không thể cung cấp cho người bệnh;..
Về điều chỉnh các quy định về BHYT có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh BHYT, đề nghị bổ sung đánh giá kỹ lưỡng thêm về nội dung này và đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế hiện nay trong thông tuyến khám chữa bệnh BHYT để bảo đảm tính khả thi.
Về phân bổ sử dụng quỹ BHYT hiệu quả, đề nghị tiếp tục rà soát kỹ các nội dung về sử dụng quỹ BHYT, đánh giá tác động kỹ lưỡng để đề xuất giải pháp phù hợp, khắc phục tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong tổng kết thi hành Luật BHYT thời gian qua.
Liên quan đến thời điểm trình, Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị UBTVQH xem xét, quyết định bổ sung dự án luật vào chương trình năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024) theo quy trình tại một kỳ họp với phạm vi sửa đổi, bổ sung lần này tập trung vào các nội dung thực sự cần thiết, cấp bách, đã rõ và có sự đồng thuận cao, bảo đảm triển khai đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Bảo hiểm xã hội và tháo gỡ những bất cập, vướng mắc, khó khăn đã được chỉ ra qua tổng kết.