Chiều 31-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Phạm vi “cơ sở” được xác định là xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) và cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã; cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (gọi chung là cơ quan, đơn vị); doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động (gọi chung là doanh nghiệp), là nơi trực tiếp công khai thông tin, tổ chức lấy ý kiến, thực hiện các quyết định và chịu sự kiểm tra, giám sát của công dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Góp ý về dự thảo luật, ĐB Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM đề nghị dự thảo bổ sung quyền của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Song song đó, cần cấm hành vi xúc phạm nhân phẩm, uy tín của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng. Bổ sung chế tài xử phạt với những hành vi thông tin sai sự thật trên không gian mạng. Bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền phải thông tin tại cho người dân những nội dung nào tiếp thu, nội dung nào không tiếp thu sau khi người dân đã góp ý kiến; trách nhiệm về giải trình của cơ quan có thẩm quyền với dân, với báo chí…
Về quy định về thực hiện dân chủ trong các doanh nghiệp, nhiều ĐBQH đều cho rằng, đây là vấn đề khó thực hiện, nên cần làm rõ, để làm sao luật ra đời thì khả thi, không phải ban hành cho có.
ĐB Nguyễn Minh Hoàng cho rằng, chỉ nên tập trung thực hiện ở doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản, nhà nước, phòng chống tham nhũng.
ĐB Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM cũng nêu câu hỏi: doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - FDI có làm không, có bắt buộc họ phải làm không, việc này cần có khảo sát ý kiến của Tổng Liên đoàn lao động, hiệp hội doanh nghiệp, sau đó ghi rõ trong luật, không nói chung chung.
Là cơ quan chủ trì soạn thảo luật này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thực hiện dân chủ ở cơ sở không phải là những vấn đề mới, mà có tính kế thừa lịch sử. Chúng ta cũng đã thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhưng luật ra đời sẽ tiếp tục phát huy. Đây là dự án luật khó, yêu cầu phải bao trùm hết mọi người dân, phải trở thành động lực cho sự phát triển.
Theo bộ trưởng, có đến hơn 20 luật có liên quan đến vấn đề dân chủ ở cơ sở, nên phải tính toán khoa học để không trùng lắp, chồng chéo với các luật khác, không vi phạm các cam kết quốc tế, đồng thời bảo đảm dễ thực hiện, nếu không, luật sẽ không khả thi.
“Nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên quy định thực hiện dân chủ cơ sở ở DNNN, các khu vực doanh nghiệp khác thì không. Bạn soạn thảo đưa vào dự thảo như vậy để lấy ý kiến ĐBQH. Có thể tính toán để thực hiện ở mức độ nhất định ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước mà bảo đảm không vi phạm các cam kết quốc tế. Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu để bảo đảm tính khả thi, nhưng quan điểm của tôi là không nên chỉ thực hiện ở DNNN”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói.