Chiều 4-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025...
Hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo
Bày tỏ quan tâm đến các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ĐB Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Duy Minh nêu rõ, hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đang chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản luật khác nhau, rất phân tán, thiếu thống nhất và chưa có chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và các nhà đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
“Bên cạnh đó, việc thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại một số địa phương vẫn còn chậm. Quy trình, thủ tục thanh toán cho các sản phẩm, ý tưởng, mô hình được nhận hỗ trợ kinh phí của ngân sách nhà nước còn khó khăn”, ông Minh nhận định và đề xuất Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Khoa học và công nghệ để hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Lo lắng về biến đổi khí hậu
ĐB Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) nhận định, thời gian qua, hạ tầng giao thông ĐBSCL đang được phát triển nhanh chóng. Từng là vùng trũng cao tốc, đến nay, vùng đã có 120km đường cao tốc TPHCM - Cần Thơ được đưa vào khai thác. Mục tiêu đặt ra là năm 2025, toàn vùng sẽ có khoảng 548km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác, năm 2030 là 763km. Đây là những quyết sách quan trọng của Quốc hội, sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, mở ra cơ hội đầu tư, tạo đột phá về hạ tầng giao thông, thúc đẩy khu vực này phát triển.
Tuy nhiên, những năm gần đây, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã gây ra tình trạng ngập nặng trên một số tuyến đường trong khu vực như các tuyến quốc lộ 63, 54, 57, đặc biệt là quốc lộ 1 đoạn qua các tỉnh Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau… Nguyên nhân chính của việc ngập nước trên các tuyến quốc lộ là do sụt lún nền đường. ĐB đề nghị Quốc hội nghiên cứu, ban hành nghị quyết đặc thù về phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu thay cho Nghị quyết số 120 ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. “Đây là chủ trương có tính đột phá về phát triển để kiến tạo vùng ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu an toàn và thịnh vượng”, ĐB Quyên Thanh nhấn mạnh.
Chủ động phòng chống biến đổi khí hậu, thiên tai cũng là chủ đề được nhiều ĐB khác đề cập đến. Nhắc hậu quả nặng nề của các cơn bão số 3 (Yagi) và cơn bão Trami…, ĐB Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo rốt ráo hơn nữa để khắc phục, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; xây dựng đề án tái thiết nền kinh tế sau bão; thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, người dân bị ảnh hưởng thiệt hại… Đặc biệt, ĐB đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu các quy chuẩn kỹ thuật, định mức xây dựng đối với các công trình cơ sở hạ tầng khu vực neo đậu, tránh trú bão, các công trình ven biển để phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay; có cơ chế đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời giữa các cấp chính quyền, lực lượng chức năng trong điều kiện giông bão, mưa lũ, mất điện, mất sóng…