Như vậy, sau hơn 1 ngày xét hỏi, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội quyết định dừng phần xét hỏi để chuyển sang tranh luận. Trước khi tranh luận, đại diện Viện kiểm sát đã đưa ra quan điểm về các kháng cáo liên quan đến các bị cáo trên.
Theo đó, Viện kiểm sát đề nghị tòa chấp nhận VAB tiếp tục phong tỏa số cổ phần để khắc phục hậu quả phần sai phạm của bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành với ngân hàng này, còn 249 tỷ đồng. Vì bị cáo Thành khai nguồn tiền mình dùng mua cổ phần do vay mượn cả 3 ngân hàng, do đó để đảm bảo quyền lợi của cả 3 ngân hàng này, Viện kiểm sát đề nghị tòa dùng số cổ phần này để khắc phục thiệt hại cho cả 3 ngân hàng, không riêng VAB.
Theo Viện kiểm sát, bị cáo Thành phạm tội nhiều lần (26 vụ), với số tiền rất lớn. Chỉ cần tính riêng một lần thì mức phạt đã đủ án chung thân. Bị cáo Thành kháng cáo xin giảm nhẹ, dù có vài tình tiết mới nhưng Viện kiểm sát cho rằng không đủ để chấp nhận. Do đó, cơ quan công tố đề nghị tòa phúc thẩm bác kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành và 9 người khác. Bản án sơ thẩm tuyên bị cáo Thành lĩnh án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trong khi đó, 3 bị cáo khác được Viện kiểm sát đề nghị giảm mỗi người 3 tháng tù đến 1 năm tù do khắc phục thêm tiền.
Liên quan tới vụ án, sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, có 13 trong tổng số 26 bị cáo kháng cáo, kêu oan hoặc xin giảm nhẹ.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành được người nhà nộp thêm tiền khắc phục hậu quả, trình bày gia đình khó khăn, đang nuôi 3 con nhỏ. Bị cáo Thành xin dùng 26% cổ phần tại Công ty Cổ phần đầu tư MHD để khắc phục thiệt hại.
Ngoài kháng cáo phần hình sự của các bị cáo này, một loạt các cá nhân, doanh nghiệp, ngân hàng cũng kháng cáo về phần dân sự, song đều bị Viện kiểm sát đề nghị bác bỏ.
Bản án sơ thẩm ngày 24-3-2023 xác định, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành được 17 cựu cán bộ ngân hàng của 3 ngân hàng trên tiếp tay trong việc lập các sổ tiết kiệm đồng sở hữu với nhiều đại gia, hứa trả lãi suất cao. Bị cáo Thành sau đó giả mạo chữ ký của các đại gia để cầm cố sổ, vay tiền 3 ngân hàng.
Hành vi của các bị cáo khiến NCB thiệt hại 47,5 tỷ đồng, PVB 49,4 tỷ đồng, VAB hơn 273 tỷ đồng; 4 cá nhân bị rút 63 tỷ đồng, tổng cộng 433 tỷ đồng.
Tại tòa sơ thẩm, NCB, PVB, VAB muốn giữ các sổ tiết kiệm trăm tỷ đồng của khách, trách nhiệm bồi thường phải do bị cáo Thành chịu, song với yêu cầu này, Viện kiểm sát đã bác bỏ và cho rằng sai phạm có lỗi rất lớn từ ngân hàng.
Trong vụ lừa 433 tỷ đồng, 3 ngân hàng cho rằng Nguyễn Thị Hà Thành gian dối để chiếm đoạt tiền, do đó phải tự bồi thường cho các đại gia là khách hàng của ngân hàng.