Sáng 20-4, chủ tọa tiến hành xét hỏi những nhân chứng liên quan tới vụ án. Bản án sơ thẩm cho hay, năm 2016, cựu Đại tá Phùng Anh Lê thông qua chú họ là Phùng Văn Bảy, đã nhận 110 triệu đồng để không xử lý hình sự Nguyễn Hữu Tài về hành vi cướp tài sản. Nhận được tiền, đêm 22-9-2016, bị cáo Lê chỉ đạo cán bộ cấp dưới đến nhà tạm giữ đưa Tài ra ngoài viết cam đoan rồi thả về.
Người đầu tiên trả lời hội đồng xét xử, chị Hiền (vợ Nguyễn Hữu Tài) được đề nghị nêu lại những lời khai trước đó tại phiên tòa sơ thẩm. Người này khai rằng, sau khi chồng bị tạm giữ, gia đình vội nhờ người tìm cách giúp đỡ Tài không bị xử lý hình sự. Nghe người thân nói có quen ông Phùng Văn Bảy và có thể giúp đỡ Tài, chị Hiền cùng cha đẻ là ông Hà nhờ kết nối.
Bị cáo Phùng Anh Lê tại phiên tòa phúc thẩm, sáng 20-4. Ảnh: ĐỖ TRUNG |
Tối 22-9-2016, cha con chị Hiền đưa cho anh người thân 103 triệu đồng để chuyển cho ông Bảy. Chị Hiền khai thấy ông Bảy cầm túi tiền đi vào trụ sở Công an quận Tây Hồ, sau đó chừng 15 phút thì trở ra và bảo đã xong việc. Ông Bảy và người thân của chị Hiền về trước, còn Hiền và cha ở lại. Khuya hôm đó, Tài được thả về.
Trong khi đó, ông Hà khai trước tòa, chỉ thấy ông Phùng Văn Bảy đi vào cổng Công an quận Tây Hồ, sau đó thấy ông Bảy đi ra và nói đã đưa 110 triệu đồng cho Phùng Anh Lê (ông Bảy cho gia đình Tài vay thêm 7 triệu đồng để đủ 110 triệu).
Ông Phùng Văn Bảy khi được yêu cầu lên khai báo về diễn biến sự việc đã nói giữ nguyên lời khai trong quá trình điều tra. Do từng đến sơn sửa phòng làm việc của Phùng Anh Lê ở Công an quận Tây Hồ nên ông Bảy thông thuộc đường đi trong trụ sở.
Người này nói đã đưa 110 triệu đồng cho cháu họ Phùng Anh Lê tại phòng làm việc, nhận tiền xong, bị cáo Lê nói ông về đi.
Trong khi đó, khẳng định trước tòa phúc thẩm, bị cáo Phùng Anh Lê giữ nguyên nội dung kháng cáo kêu oan, cho rằng mình không nhận hối lộ, không có tội.
Sáng cùng ngày, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội cũng tham gia xét hỏi. Ảnh: ĐỖ TRUNG |
Ông Lê thừa nhận cuối năm 2016 là Trưởng Công an quận Tây Hồ và phụ trách chung tại đơn vị. Tuy nhiên, bị cáo không còn nhớ rõ những diễn biến sự việc đêm 22-9-2016.
Bị cáo Lê đề nghị thu thập lịch trực hôm đó, vì ông không thể nhớ rõ mình có trực hay không, đồng thời, bị cáo này cũng phủ nhận lời khai của chú họ Phùng Văn Bảy.
Tiếp tục phủ nhận cáo buộc nhận hối lộ, bị cáo Phùng Anh Lê xin nhận trách nhiệm người đứng đầu Công an quận Tây Hồ khi xảy ra vụ việc. Về trách nhiệm hình sự, bị cáo Lê cho rằng ai để xảy ra sự việc thì người đó phải chịu trách nhiệm.
Chiều cùng ngày, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội nêu quan điểm giải quyết kháng cáo của bị cáo Phùng Anh Lê. Theo đó, Viện Kiểm sát đề nghị bác kháng cáo đối với bị cáo Phùng Anh Lê, đề nghị tuyên y án sơ thẩm. Được tự bào chữa, bị cáo Phùng Anh Lê giải thích nhiều, yêu cầu triệu tập 3 bị cáo khác trong vụ án và đề nghị hoãn phiên tòa. Luật sư của bị cáo Lê cũng đề nghị đình chỉ xét xử, đề nghị trả tự do cho bị cáo Lê. Tuy nhiên, chủ tọa yêu cầu bị cáo tập trung vào phần tự bào chữa, yêu cầu luật sư công bố bản bào chữa đối với bị cáo Lê.
Trước đó, như Báo SGGP đã thông tin, tháng 8-2022, bị cáo Phùng Anh Lê bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên 7 năm 6 tháng tù về tội “Nhận hối lộ”. Liên quan vụ án, các bị cáo Nguyễn Đức Châu (cựu Đội trưởng Hình sự Công an quận Tây Hồ) lĩnh 10 tháng 28 ngày tù (bằng thời hạn tạm giam); Vũ Công Ngọc (cựu Đội phó Hình sự) 6 tháng tù treo, Lê Đình Trung (cựu Đội phó Thi hành án) 4 tháng 12 ngày tù (bằng thời hạn tạm giam).