Vào vụ mía đường năm nay, Nhà máy đường Phụng Hiệp (thuộc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ, đặt tại tỉnh Hậu Giang) phải ngừng hoạt động. Đây là nhà máy đường cuối cùng của tỉnh có diện tích trồng mía lớn nhất vùng ĐBSCL phải đóng cửa. Doanh nghiệp chấp nhận “trả phí” hơn 20,3 tỷ đồng cho việc ngừng hoạt động, bao gồm phí bảo trì, duy tu thiết bị và chi phí phát sinh do phải hợp tác với đơn vị khác để tiêu thụ gần 29.500 tấn mía đã ký hợp đồng với hơn 200 hộ nông dân.
Hậu Giang từng là tỉnh có diện tích trồng mía khoảng 15.000ha với 3 nhà máy đường là Phụng Hiệp, Vị Thanh và Long Mỹ Phát. Đến nay, diện tích trồng mía của tỉnh này chỉ còn khoảng 1.400ha; trong đó có khoảng 58% diện tích bán mía phục vụ tiêu dùng trực tiếp.
Thời đỉnh cao, ĐBSCL có hơn 10 nhà máy đường hoạt động nhộn nhịp. Nhưng những năm gần đây, hàng loạt nhà máy lần lượt đóng cửa như Hiệp Hòa, Bến Tre, Kiên Giang, Thới Bình (Cà Mau); Vị Thanh, Long Mỹ Phát, Phụng Hiệp (Hậu Giang)… Đến nay chỉ còn 2 đơn vị đang hoạt động là nhà máy đường Trà Vinh và Sóc Trăng.
Trong khi người trồng lúa vui mừng trước bước chuyển mới của ngành lúa gạo, nông dân phấn khởi vì xuất khẩu gạo 2 năm liên tiếp xác lập các kỷ lục mới về giá trị kim ngạch, giá bán; trái sầu riêng lên đỉnh vinh quang mang lại nguồn lợi lớn cho nhà nông thì cây mía và ngành đường thoi thóp mấy năm qua.
Ở góc độ lợi ích của mình, các doanh nghiệp sử dụng đường làm nguyên liệu thích dùng đường ngoại hơn vì chất lượng tốt hơn, giá rẻ hơn đường nội. Các nhà máy đường chỉ ép mía cầm chừng hoặc ngưng hoạt động. Do vậy mía trồng không có nhà máy mua, ngay cả khi nhà máy đã hợp đồng bao tiêu sản phẩm cũng phải chịu lỗ “gả bán” nguồn nguyên liệu đầu vào của mình cho đơn vị khác.
Vì thế, cây mía đồng bằng bị... chặt ra nhiều lóng. Vòng luẩn quẩn đó kiềm hãm sự phát triển của ngành mía đường nhiều năm qua chưa có lời giải căn cơ. Vị đắng của đường còn nhân lên trước nạn đường nhập lậu và tồn kho tăng cao. Giá mía không thể nuôi sống người dân, nhiều nhà máy đường đóng cửa hoặc thoi thóp hoạt động là thực trạng của ngành mía đường đồng bằng. Phải chăng ngành mía đường ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ xóa sổ?
4 năm trước, Thủ tướng đã có Chỉ thị số 28/CT-TTg về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới. Yêu cầu phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế một cách bình đẳng; chấp nhận chuyển đổi một số vùng sản xuất mía không hiệu quả và cơ cấu lại các nhà máy thua lỗ, yếu kém theo quy luật kinh tế thị trường; hình thành vùng nguyên liệu mía gắn với nhà máy sản xuất đường đảm bảo hoạt động hiệu quả, đủ sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Nhưng đến nay, ngành mía đường ĐBSCL xem ra vẫn đang khó chồng khó.
Ngành mía đường cần tiếp tục thay đổi mạnh mẽ, tận dụng triệt để các lợi thế để phát huy năng lực, từ trồng mía đến đầu tư tăng năng suất, chất lượng mía nguyên liệu, sản phẩm đường, sản phẩm sau đường gắn kết với các ngành sản xuất sử dụng đường làm nguyên liệu. Phát triển trồng mía với sản xuất điện, phân bón, ethanol, thức ăn chăn nuôi từ các phụ phẩm mía đường còn nhiều tiềm năng phát triển.
Ngành mía đường cũng nên chú trọng đầu tư cho công nghệ giống, sản xuất đường, sản phẩm sau đường để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh đến những giải pháp chỉ đạo điều hành linh hoạt, chặt chẽ trong từng thời điểm. Bên cạnh đó là nhìn nhận thẳng thắn, phân tích thấu đáo các thách thức, yêu cầu đang đặt ra để có các giải pháp phù hợp nhằm cơ cấu thực chất hoạt động sản xuất - kinh doanh; tập trung cải thiện năng suất, chất lượng mía nguyên liệu; nâng cao năng lực chế biến và khả năng cạnh tranh của các nhà máy sản xuất đường; phát triển ngành mía đường phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế trong tình hình mới.