Để ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam tiến xa hơn

Ngày 5-7, tại Đà Nẵng, diễn ra hội thảo “Hợp tác sản xuất phim - Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp phát triển".

Các diễn giả trao đổi tại hội thảo
Các diễn giả trao đổi tại hội thảo

Sự kiện nằm trong khuôn khổ khổ Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ 2 (DANAFF II) nhằm thúc đẩy hợp tác, chia sẻ các thực tiễn quốc tế tốt nhất, và khám phá các giải pháp sáng tạo để thúc đẩy ngành công nghiệp phim của Việt Nam tiến xa hơn. Tham dự hội thảo có các diễn giả tiêu biểu trong lĩnh vực điện ảnh Việt Nam và quốc tế.

Phát biểu tại hội thảo, bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam khẳng định, ngành công nghiệp điện ảnh không chỉ có tiềm năng lớn trong việc đóng góp vào nền kinh tế quốc gia, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện đời sống của người dân.

Bà Ngô Phương Lan nhấn mạnh: "Một bộ phim được làm ra có công sức lao động của rất nhiều người, từ rất nhiều ngành nghề trong xã hội, đòi hỏi thời gian và nỗ lực của nhiều cá nhân và cả tập thể đoàn làm phim. Để tạo ra sản phẩm là một bộ phim hoặc một chương trình truyền hình chất lượng cho khán giả Việt Nam và toàn cầu, chúng ta cần học hỏi nhiều từ các quốc gia có nền điện ảnh phát triển. Hội thảo chính là nơi để chúng ta lắng nghe và học tập, từ đó cùng nhau nâng cao chất lượng các bộ phim mang nhãn hiệu Việt Nam."

IMG_5389.jpg
Tiết mục kịch ngắn tại hội thảo

Hội thảo lần này còn có tiết mục kịch ngắn dẫn đề thảo luận: “Thiên đường làm phim” của nhà sản xuất Quỳnh Hà, đạo diễn Quốc Trung, và biên kịch từ Bột Creative Hub.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Jared Dougherty, Phó Chủ tịch, Giám đốc phụ trách Chính sách công và Đối ngoại của Sony Pictures Entertainment Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã chia sẻ những thực tiễn quốc tế có thể áp dụng được ở Việt Nam. Các giải pháp của ông liên quan đến nhiều khía cạnh trong hoạt động làm phim, từ kinh nghiệm kêu gọi đầu tư tài chính cho bộ phim, đến việc khai thác giá trị tài sản trí tuệ của các bộ phim.

Ông Jared Dougherty cho biết, ngành công nghiệp điện ảnh châu Á đang phát triển đa dạng, nhiều màu sắc, đầy sức sáng tạo. Riêng điện ảnh Việt Nam ngày càng được quốc tế đón nhận, và đang phát triển mạnh mẽ.

“Phim ảnh và văn hóa là những công cụ giúp các quốc gia vượt qua những thách thức của địa chính trị và thương mại; thúc đẩy sự kết nối giữa con người và con người, tăng cường sự hợp tác hiểu biết lẫn nhau", Ông Jared Dougherty chia sẻ.

Hội thảo được xem là sự kiện đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ điện ảnh quốc tế, khẳng định cam kết của các cơ quan và tổ chức trong việc hỗ trợ và phát triển ngành công nghiệp điện ảnh đất nước.

Tin cùng chuyên mục