“Mùa vàng” nhờ khoa học
Bao đời nay, người nông dân đã quen nhân giống các loại cây trồng, nông sản, hoa kiểng... theo cách truyền thống là gieo hạt, giâm cành, chiết, ghép. Hạn chế của phương pháp này là khó nhân giống với số lượng lớn, cây dễ bị nhiễm bệnh, dịch hại và năng suất, chất lượng nông sản dần giảm sút. Từ khi phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật ra đời đã đưa ngành nông nghiệp bước sang trang mới, tạo cuộc cách mạng trong việc chọn tạo, nhân nuôi giống. Năm 1999, bằng các giải pháp công nghệ sinh học (CNSH), Viện Sinh học nông nghiệp thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đưa ra quy trình công nghệ sản xuất giống khoai tây (nuôi cấy mô) có chất lượng tương đương với loại giống nhập từ Hà Lan, Đức nhưng giá thành giảm 20-30%. Quy trình này được dự án phát triển khoai tây Việt - Đức xem như quy trình chủ đạo trong sản xuất khoai tây giống tại Việt Nam. Đến năm 2007, thành tựu CNSH này được thương mại hóa. Toàn bộ sản phẩm khoai tây giống do Viện Sinh học nông nghiệp nuôi cấy mô được Tập đoàn Orion của Hàn Quốc đầu tư rồi chuyển giao cho bà con để canh tác trên diện rộng. Từ năm 2007 đến nay, mỗi năm viện cung cấp khoảng 3 vạn cây giống cho bà con nông dân sản xuất khoai thương phẩm, với sản lượng cung cấp cho nhà máy chế biến trung bình khoảng 6.000-7.000 tấn/vụ.
Còn tại Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), các nhà khoa học đang tập trung nghiên cứu tìm các giống lúa có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. GS-TS Phạm Xuân Hội, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, cho biết, nhờ ứng dụng phương pháp chọn giống bằng chỉ thị phân tử (MAS) và sử dụng quy trình MABC để chuyển các gene mục tiêu vào giống lúa, các nhà khoa học của viện có thể cải tiến năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu, đồng thời giữ nguyên các đặc tính quý của giống ban đầu, tạo tiền đề khoa học cho chọn tạo giống kháng đa yếu tố, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chẳng hạn như giống lúa Khang Dân 18 mang gene chịu ngập tại Nam Định và giống OM6976 mang gen chịu mặn tại Bạc Liêu.
Các giống khoai tây được đưa ra trồng tại khu nhà màng khí canh của Viện Sinh học nông nghiệp |
Theo Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ NN-PTNT), giai đoạn 2006-2020, Chương trình CNSH trong nông nghiệp đã triển khai nhiều dự án nhân giống bằng nuôi cấy mô tế bào trên cây lâm nghiệp, hoa, khoai tây; xây dựng quy trình nuôi cấy mô tế bào quy mô rộng, chuyển giao cho cơ sở sản xuất và cung cấp hàng triệu cây giống cho doanh nghiệp, nông dân.
Chương trình đã tạo được nhiều loại chế phẩm sinh học, phân bón vi sinh, chế phẩm bảo quản, chế biến sản phẩm nông sản, xử lý môi trường. Ứng dụng công nghệ chỉ thị phân tử đã phục vụ hữu hiệu công tác lai, tạo giống bò, heo, gà. Chương trình triển khai nhiều nhiệm vụ trong lĩnh vực công nghệ gene, tiến tới tạo ra sản phẩm mang hàm lượng CNSH cao.
Liên kết “3 nhà” thúc đẩy ứng dụng
Từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM đã mang các giống nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để nông dân sản xuất, đánh giá khảo nghiệm. Điển hình, trung tâm đã liên kết với hộ bà Huỳnh Thị Lành (huyện Củ Chi) thực nghiệm thành công giống dưa lưới năng suất cao, trung bình 1.000m² đạt khoảng 4,5 tấn/vụ, cao hơn 1,5 tấn so với giống khác. Giống này còn có khả năng chịu bệnh cao. Mới đây, trung tâm đăng ký thành công sở hữu trí tuệ chế phẩm serum từ dịch chiết tế bào gốc nhung hưu chống lão hóa da và quy trình sản xuất serum. Kết quả nghiên cứu đã được trung tâm chuyển giao cho Công ty TNHH Mediworld để sản xuất thương mại, cung ứng ra thị trường.
Nằm trong Đề án phát triển và ứng dụng CNSH lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công thương chủ trì, đề tài “Nghiên cứu công nghệ ứng dụng enzyme trong sản xuất collagen từ nguồn lợi sứa biển” do Viện Tài nguyên và Môi trường biển chủ trì cũng gây nhiều ấn tượng. Kết quả đã được áp dụng tại Công ty TNHH MTV Vĩnh Hoàn để sản xuất collagen từ sứa biển, đem lại lợi nhuận 528,3 tỷ đồng mỗi năm.
Đồ họa: NGỌC TRÂM |
Nâng cao năng lực phòng và điều trị bệnh
Ở tuổi 32 với biết bao dự định thì anh Vũ Việt Thành (ở Hưng Yên) rơi vào trạng thái hoang mang cùng cực khi phát hiện mình mắc căn bệnh ung thư máu. Trong quá trình điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, anh Thành được điều trị bằng ghép tế bào gốc nửa hòa hợp từ em trai ruột. Sau những tháng ngày ở phòng cách ly ghép tế bào gốc giành lại sự sống, sức khỏe của Thành dần hồi phục, căn bệnh ung thư máu được kiểm soát và anh được xuất viện khỏe mạnh. Để kỷ niệm tròn 6 tháng sau khi được ghép tế bào gốc, anh Thành đã chinh phục thành công giải chạy Long Bien Marathon, về đích sau 2 giờ 14 phút, sau đó là về đích ở giải chạy Full Marathon 42km vào ban đêm. Theo PGS-TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, mỗi năm viện tiếp nhận 1.000-1.500 bệnh nhân ung thư máu mới. Đối với bệnh nhân ung thư, nếu điều trị hóa chất đơn thuần, thời gian sống đến 5 năm khoảng 20-30%. Nhưng với phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu, tỷ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm lên tới 50-60%. Đến nay, viện đã thực hiện hơn 550 ca ghép tế bào gốc, giúp nhiều bệnh nhân hiểm nghèo trở lại cuộc sống bình thường.
Điều trị cho bệnh nhân ung thư máu bằng phương pháp ghép tế bào gốc tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương. Ảnh: QUỐC KHÁNH |
Việc đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng CNSH trong y tế đang góp phần to lớn vào phòng chống dịch bệnh. TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), cho biết, đến nay, Việt Nam đã sản xuất được trên 20 vaccine như viêm não Nhật Bản, tả, viêm gan B, dại, viêm gan A, bại liệt, sởi, bạch hầu - ho gà - uốn ván, lao, thương hàn, viêm màng não… Đặc biệt, việc nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước đã đảm bảo cung ứng 11/13 loại vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, góp phần giúp thanh toán nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Đến nay, Hệ thống quản lý chất lượng vaccine quốc gia của Việt Nam đã được Tổ chức y tế thế giới (WHO) công nhận. Năm qua, WHO cũng đã đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia được tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA và việc hỗ trợ đào tạo.