Để nạn học giả bằng thật không còn đất sống

Sự việc mua bán bằng cấp giả ở Trường ĐH Đông Đô lại gióng lên hồi chuông báo động về một trong nhiều vấn nạn tham nhũng học thuật ở các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Xem ra, xu hướng “thị trường” mua bán bằng cấp giả trong xã hội vẫn sôi động, chưa có dấu hiệu lắng xuống mặc dù từ cuối năm 2006, ngành giáo dục đã quyết liệt vào cuộc chống tiêu cực trong thi cử.

Có cầu ắt có cung là quy luật của thị trường. Nhu cầu bằng cấp trong xã hội phát triển là nhu cầu hết sức chính đáng nếu đó là bằng cấp có được qua quá trình học tập, rèn luyện, phản ảnh đúng trình độ gắn với văn bằng. Tuy nhiên, có một bộ phận muốn có bằng cấp nhưng lại không muốn phải vất vả học hành, thi cử. Họ dùng tiền hoặc quyền lực, uy tín để có thể lấy được bằng cấp dùng cho nhiều mục đích, từ việc tuyển dụng, bổ nhiệm đến củng cố vị trí quyền lực đi kèm theo là lợi ích kinh tế. Một số người dường như bị ngấm doping gian dối trong học thuật, họ bất chấp đạo đức, luật pháp và các giá trị phổ quát của con người.

Không có gì tai hại hơn việc một cơ sở giáo dục lại trở thành nơi sản xuất ra những sản phẩm có giá trị giả và đưa ra “lưu thông” ở các cơ quan nhà nước, trường học và kể cả doanh nghiệp.

Cần làm gì để hạn chế tối đa vấn nạn gian dối trong giáo dục mà điển hình là tệ nạn mua bán bằng cấp chứng chỉ qua sự việc của Trường ĐH Đông Đô?

Điều đầu tiên vẫn phải đi từ giáo dục con người mà không có cách gì khác là giáo dục không chỉ bó hẹp trong nhà trường mà còn cả bên ngoài xã hội thông qua tấm gương của cán bộ, đảng viên, những người lãnh đạo quản lý, các thầy cô giáo phải lấy trung thực, liêm chính làm mục tiêu phấn đấu và rèn giũa bản thân. Các trường đại học, trong bối cảnh tự chủ rất cần có những nhà lãnh đạo trường, khoa liêm chính, phẩm chất đạo đức tốt bên cạnh năng lực lãnh đạo quản lý, phải đảm bảo thượng tôn luật pháp. Một khi người lãnh đạo nhà trường hư hỏng, coi thường pháp luật, mải chạy theo lợi ích đồng tiền cung cấp bằng giả thì cơ sở giáo dục ĐH đó nên thay người hoặc phải đóng cửa trường, tránh cho xã hội những tổn hại còn lớn hơn rất nhiều lần. 

Các nhà giáo cho dù là GS, PGS hay giảng viên rất cần dũng cảm, giữ nghiêm kỷ cương trong giảng dạy và đánh giá sinh viên. Học trò gian dối, thầy cô giáo biết hết trong khi cán bộ quản lý có thể chưa biết. Ngày hôm nay nhà giáo dễ dãi với những gian dối của học trò thì ngày mai những học trò này rất có thể sẽ phá nát xã hội một khi họ leo lên vị trí quyền cao chức trọng. Nhà giáo càng cần không thể đánh đổi danh dự, tiền bạc để hỗ trợ thói gian dối trong học thuật của bản thân, đồng nghiệp và học trò. Người hiểu rõ nhất sự học của học trò, năng lực của học trò không ai khác ngoài các thầy cô. Vì thế, thầy cô có thể xem là lực lượng tiên phong đi đầu trong việc chống tiêu cực thi cử. Một khi thầy cô giáo cũng tham gia vào chuyện mua bán bằng giả, ngó lơ tiêu cực trong nhà trường cũng là tiếp tay cho nạn bằng giả sinh sôi nảy nở và như vậy không còn xứng đáng là người thầy nữa.

Về phía người học cũng cần nhìn nhận, tự đánh giá năng lực học vấn để có thể theo đuổi nâng cao trình độ bằng thực lực bản thân. Nếu cứ kỳ vọng vào lợi ích khi có được bằng giả thông qua việc mua bán, thì một khi bị bại lộ, không có nỗi nhục nào hơn. Về phía cơ quan quản lý, rất cần rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc ứng dụng công nghệ, ban hành các quy chế tuyển sinh, tổ chức đào tạo cũng như chính sách đối với nhà giáo để hạn chế tối đa yêu cầu về đầu vào mà bằng cấp là một trong các yêu cầu đó áp dụng khi tuyển sinh, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm. Ngành giáo dục có thể ứng dụng công nghệ để quản lý, theo dõi quá trình sinh viên từ khi vào học đến khi tốt nghiệp và cấp văn bằng. Yêu cầu các trường công khai theo quy chế ba công khai mà bộ đã quy định. Quy chế đào tạo cần nhấn mạnh đến quá trình và đánh giá đầu ra cũng như quy định phẩm chất trách nhiệm hàng đầu của các nhà giáo trong quá trình đào tạo và đánh giá sinh viên. Xử lý nghiêm những nhà giáo có hành vi gian dối, không trung thực trong quá trình đào tạo và đánh giá sinh viên. 

Tin cùng chuyên mục