Ngày 23-9, tại Hà Nội, Đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục lần thứ VII năm 2020 của Bộ GD-ĐT đã tuyên dương hơn 300 đại biểu ưu tú, điển hình tiên tiến xuất sắc trong lĩnh vực giáo dục. Tại đây, nhiều tấm gương xuất sắc trong nghề giáo đã được vinh danh.
Tham gia giao lưu tại đại hội, cô giáo Phạm Thị Thanh Nhung - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn An Khương (Hóc Môn, TPHCM) chia sẻ, để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, mỗi giáo viên phải không ngừng nỗ lực vượt lên chính mình. Mỗi giáo viên cần xây dựng kế hoạch giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, nhưng vẫn phải giữ được đặc thù của môn học. Quá trình đổi mới phương pháp giáo dục, giáo viên nhận được sự quan tâm, ủng hộ, hỗ trợ của Ban giám hiệu nhà trường và các cấp quản lý giáo dục. Đặc biệt cô nhận được sự ủng hộ của phụ huynh và học sinh nhiệt tình tham gia, thậm chí còn hỗ trợ tích cực giáo viên.
Trình bày tham luận tại đại hội, cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên trường THPT Hương Cần, tỉnh Phú Thọ chia sẻ phương pháp đổi mới dạy học tiếng Anh, thiết kế các giờ học xuyên biên giới. Mô hình “lớp học xuyên biên giới” nhằm kết nối lớp học của cô Phượng ra đời và lớp học của các nước trên thế giới qua các giờ học tiếng Anh. Ở đó, các em không chỉ có cơ hội được luyện tập nghe, nói, phát âm với các thầy cô giáo và các bạn nước ngoài, mở mang kiến thức về văn hóa mà còn là niềm say mê môn học ngoại ngữ, niềm khao khát được trở thành những công dân toàn cầu.
Đây là mô hình các trường học trên toàn cầu được kết nối với nhau qua nhiều bộ môn học như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tiếng Anh, Lịch sử… qua hội nhóm giáo viên trong nước và toàn cầu, thường là từ nguồn giáo viên tham gia diễn đàn giáo viên sáng tạo toàn cầu của Microsoft.
Cô Hà Ánh Phượng được Tổ chức Giáo dục Varkey Foundation vinh danh là một trong 50 giáo viên toàn cầu xuất sắc nhất năm 2020.
Cô giáo mầm non Sung Thị Tông (bản Xía Nọi, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa), người dân tộc H’Mông, đã kể về kinh nghiệm tạo hứng thú để trẻ tới lớp, tới trường... Năm 2016, trở thành giáo viên mầm non, cô xung phong nhận nhiệm vụ đứng lớp tại điểm trường Mùa Xuân, Trường Mầm non Sơn Thủy. Bản Mùa Xuân có 100% đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống, cách điểm trường chính và trung tâm xã 22 km, giáp với Lào. Là một bản vùng biên nghèo nhất tỉnh Thanh Hoá: không điện - không đường - không trạm, nghèo đói, lạc hậu... vẫn luôn đeo bám. Đồng bào sống tự cung tự cấp, dựa vào trồng ngô, trồng lúa trên nương.
“Để đến với điểm trường Mùa Xuân, tôi phải vượt qua quãng đường bùn lầy, dốc đá lởm chởm, có nhiều đoạn chiều ngang chỉ khoảng nửa mét, 1 bên là núi, 1 bên là vực... Mùa khô, nếu đi xe máy sẽ mất khoảng hơn 5 giờ đồng hồ, còn đi bộ sẽ mất 1 ngày. Những khó khăn đó không làm chùn bước mà càng thôi thúc tôi nhanh đến điểm trường hơn”, cô Sung Thị Tông tâm sự.
Tận mắt thấy những thiếu thốn của điểm trường, cô Sung đã trăn trở tìm cách giúp những đứa trẻ nơi đây bớt khổ, bớt đói, có đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị cần thiết, đáp ứng các yêu cầu của công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Cô đã tham mưu cho Ban giám hiệu nhà trường tìm cách kết nối với các cá nhân, đoàn từ thiện, các nhà hảo tâm để huy động mọi nguồn lực hỗ trợ về đồ dùng, đồ chơi, bàn ghế cho trẻ.
Phát biểu tại đại hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học, Đảng, Nhà nước ta luôn coi GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho sự nghiệp “trồng người” sự quan tâm đặc biệt. Ngay tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách; trong đó có nhiệm vụ giải quyết nạn dốt. Học tập và làm theo lời Bác, các phong trào “Bình dân học vụ”, “Thi đua dạy tốt, học tốt” đã lan tỏa sâu rộng trong toàn quốc, đem lại hiệu quả to lớn.
“Chúng ta có quyền tự hào rằng, nếu như năm 1945, hơn 95% dân số không biết chữ thì ngày nay Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có sự phát triển ấn tượng và tiên phong trong đổi mới giáo dục”, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định.
Phó Chủ tịch nước đánh giá cao những thành quả bước đầu quan trọng của ngành giáo dục trong những năm qua. Ngành giáo dục đã phát động và triển khai phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy học, gắn với cuộc vận động, mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo. Qua đó khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên và đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, xuất sắc, thành tích khen thưởng trong nước và quốc tế...
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng ghi nhận, trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19, ngành giáo dục với phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, ngành giáo dục đã tăng cường dạy học qua internet, bảo đảm mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì các nhiệm vụ năm học mới. Công tác khen thưởng kịp thời cũng đã được toàn ngành quan tâm, động viên kịp thời, tạo động lực thi đua trong đội ngũ nhà giáo, học sinh, sinh viên.
“Kết quả các phong trào thi đua đã góp phần tích cực vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo, và cũng cho thấy, ngành giáo dục có quyết tâm và có nhiều đổi mới, đóng góp tích cực vào phát triển con người, đào tạo nguồn nhân lực, là một trong ba đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, đã góp phần vào thành tựu to lớn qua 35 năm đổi mới của đất nước ta”, Phó Chủ tịch nước khẳng định.
Bên cạnh những thành tựu đó, Phó Chủ tịch nước cũng cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận ngành GD-ĐT còn nhiều tồn tại và khiếm khuyết.
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch nước mong ngành giáo dục tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung chương trình, phương thức, phương pháp GD-ĐT, chú trọng hơn nữa giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, phẩm chất, năng lực sáng tạo, khơi dậy khát vọng vươn lên, ý chí tự lực tự cường, lòng tự hào và tự tôn dân tộc. Đẩy mạnh đổi mới đồng bộ hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản trị nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, ngăn ngừa và xử lý nghiêm minh những tiêu cực. Gắn công tác thi đua khen thưởng với xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, với mong muốn từng ngôi trường, điểm trường là đơn vị luôn sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn, là ngôi trường hạnh phúc. Mỗi cán bộ, giáo viên, viên chức của ngành là bông hoa đẹp, mỗi học sinh, sinh viên là những nụ hoa ngát hương trong vườn hoa thi đua yêu nước.
Tại đại hội lần này, Bộ GD-ĐT công bố quyết định khen thưởng cho tổng số 384 cá nhân và tập thể điển hình tiên tiến.