Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa thống nhất trình Chính phủ phương án tăng lương tối thiểu tại khu vực doanh nghiệp, với mức dự kiến là 6% và đề nghị tăng sớm hơn so với lộ trình. Nếu phương án này được Chính phủ thông qua thì kể từ ngày 1-7-2022, lương tối thiểu vùng I sẽ tăng lên thành 4,68 triệu đồng; vùng II là 4,16 triệu đồng; vùng III là 3,64 triệu và vùng IV là 3,25 triệu đồng.
Theo Bộ luật Lao động năm 2019, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, theo khảo sát và tính toán của Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động thì từ năm 2020, mức lương để một người lao động làm việc 8 tiếng mỗi ngày có thể duy trì mức sống bình thường tại TPHCM (thuộc vùng I) đã là 7,5 triệu đồng.
Từ năm 2021 đến nay, nhiều mặt hàng đã tăng giá, thiết lập mặt bằng giá mới. Điều này có nghĩa ngay cả mức lương tối thiểu sắp tới có tăng thêm 6% thì cũng không đủ để người lao động đảm bảo mức sống tối thiểu trong bối cảnh lạm phát thực tế tăng cao hơn nhiều chỉ số đưa ra. Có nghĩa là lương vẫn đang phải chạy theo giá cả và mặc dù lương tối thiểu cần được điều chỉnh hàng năm, nhưng lâu nay vẫn thường điều chỉnh theo kiểu tình thế. Tức là lương chỉ tăng khi giá cả đã tăng cao. Thậm chí điều chỉnh của lương quá chậm so với điều chỉnh của giá, do lần điều chỉnh của năm trước là để áp dụng vào năm sau, khi mặt bằng giá đã tăng lâu rồi.
Đành rằng không phải doanh nghiệp nào cũng chỉ trả lương cho người lao động ở mức đáy để tối đa hóa lợi nhuận của mình, mà để thu hút và giữ chân người lao động, nhiều doanh nghiệp đã trả cao hơn mức lương tối thiểu rất nhiều. Nhưng theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn, thực tế vẫn có rất nhiều người lao động hưởng mức lương thấp hiện nay đang không thể sống được bằng đồng lương của mình, mà phải làm thêm nhiều giờ để có thêm thu nhập đảm bảo mức sống từ khó khăn đến bình thường của gia đình, nuôi dạy con cái, chữa trị ốm đau bệnh tật...
Và tới đây, nếu lương tối thiểu có tăng thêm 6% thì cũng chỉ đỡ được phần nào khó khăn của người lao động, chứ chưa thể giúp họ nâng cao thu nhập và mức sống, bởi giá hiện nay đã bỏ xa lương một khoảng cách dài. Điều đáng nói nữa là khi mức lương tối thiểu quá thấp sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... của người lao động. Bởi ngay cả các doanh nghiệp trả lương cao hơn lương tối thiểu cho người lao động thì hiện nay hầu như cũng chỉ đóng tiền bảo hiểm cho người lao động ở mức sát lương tối thiểu (hoặc thấp hơn nhiều mức lương thực tế) để giảm chi phí, tối đa lợi nhuận.
Theo các chuyên gia, để khắc phục tình trạng lương cứ phải chạy theo giá như nhiều năm nay, Hội đồng Tiền lương quốc gia có thể mạnh dạn điều chỉnh mức lương tối thiểu ở mức vượt hẳn mức sống tối thiểu để không phải năm nào cũng loay hoay lo chạy - đuổi. Bởi thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn đang trả lương cao hơn mức tối thiểu, nên sẽ không ảnh hưởng nhiều.
Còn ở mức tối thiểu hơn, Hội đồng Tiền lương quốc gia phải tính toán lại các cấu phần của công thức tính lương tối thiểu. Bởi hiện nay cách tính mức lương tối thiểu chỉ để giải quyết bài toán nghèo sinh học của người lao động mà chưa tính bài toán nghèo đa chiều và chưa phù hợp, kịp thời bám sát giá cả thị trường. Thậm chí cách tính mức lương hiện nay không có khoản đề phòng rủi ro, như dịch Covid-19 là một rủi ro cho thấy người lao động không thể tự mình vượt qua được, phải nhờ cậy vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Điều này là không bền vững.
Để công bằng khi đề xuất tăng lương tối thiểu, tránh những tranh luận mang tính mặc cả, trong trường hợp cần thiết, có thể thành lập cơ quan độc lập để tính lại mức sống tối thiểu, từ đó đưa ra mức lương tối thiểu chính xác, bám sát giá cả thị trường, không để người lao động phải chịu nhiều thiệt thòi như hiện nay.