Doanh nghiệp khó khăn về vốn và thị trường
* PHÓNG VIÊN:Ông đánh giá nền kinh tế gặp khó khăn hiện nay do đâu?
- Đại biểu TRẦN HOÀNG NGÂN: 2 năm 2020-2021, nước ta phải căng sức phòng, chống dịch Covid-19. Đến khi kiểm soát dịch, năm 2022, Việt Nam bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế. Dù vậy, tình hình thế giới có nhiều biến động, bất định, khó đoán, thêm vào đó là xung đột giữa các nước… đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam.
* Từ khó khăn chung đó, doanh nghiệp bị ảnh hưởng thế nào, thưa ông?
- Doanh nghiệp bắt đầu khó khăn từ khi có đại dịch Covid-19. Sang năm 2022, họ gặp khó khăn khi thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do tình hình thế giới có nhiều biến động như đã nói ở trên. Sau đó là ảnh hưởng của lạm phát, khủng hoảng năng lượng, lương thực… Vì vậy, năm 2022, doanh nghiệp phục hồi nhưng trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới nên đến cuối năm, sự phục hồi bắt đầu chậm lại.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân. Ảnh: QUANG PHÚC |
Tôi cho rằng, bây giờ cần bình tĩnh để giải quyết một cách căn cơ, tổng thể chứ không thể theo kiểu chữa cháy. Đó là chúng ta phải vừa có giải pháp cấp bách ngắn hạn vừa phải có giải pháp dài hạn để kéo nền kinh tế vượt qua khó khăn. Cùng với đó, muốn có được sự hỗ trợ tổng thể tới doanh nghiệp thì phải hiểu doanh nghiệp đang gặp khó khăn thế nào.
* Vậy theo ông, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là gì?
- Doanh nghiệp gặp khó khăn chính là thị trường và nguồn vốn. Trong đó, với doanh nghiệp xuất khẩu thì khó khăn nhất chính là thị trường. Thị trường thế giới đang chao đảo khi kinh tế thế giới trên đà suy giảm. Ở các nước có dân số từ vài chục đến trăm triệu dân, họ kiểm soát độ mở kinh tế một cách vừa phải. Trong khi đó, ở Việt Nam, độ mở của nền kinh tế rất lớn. Đây là yếu tố rủi ro bởi độ mở lớn thì chịu nhiều tác động từ bên ngoài.
Vì vậy, bài toán đặt ra đối với nước ta là phải kiểm soát độ mở. Việc này phải được đặt ra một cách nghiêm túc và có hệ thống giải pháp mới kiểm soát được nếu muốn xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, thị trường trong nước lệ thuộc vào sức mua của người dân. Trong khi đó, nguồn lực của người dân bị sụt giảm sau 2 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Quốc hội họp phiên chiều 23-5 tại hội trường. Ảnh: QUANG PHÚC |
Khó khăn thứ hai đối với doanh nghiệp đó là tiếp cận nguồn vốn. Ngân hàng vẫn cho doanh nghiệp vay nhưng điều kiện để doanh nghiệp được vay thì khó đáp ứng. Ngân hàng cũng không dám cho doanh nghiệp vay nếu không đáp ứng đủ các điều kiện, không dám cho vay dưới chuẩn vì phải đảm bảo an toàn.
* Như vậy, lời giải cho bài toán về vốn có vẻ là không dễ, thưa ông?
- Hiện nay, dư nợ tín dụng rất thấp cho thấy khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế là có. Ngân hàng cũng rất muốn cho vay bởi nếu giữ tiền thì chẳng khác gì "cầm hòn than đang cháy trong tay", nghĩa là giữ tiền nhưng vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền. Dù vậy, ngân hàng cũng không dám mạo hiểm cho vay dưới chuẩn như đã nói ở trên, bởi nếu cho vay không an toàn thì sẽ mất vốn.
Chính sách tiền tệ nên theo hướng nới lỏng nhưng có kiểm soát chất lượng tín dụng, không được cho vay dưới chuẩn. Bởi cho vay dưới chuẩn chỉ “chữa bệnh” tăng trưởng nhưng để lại hậu quả là khủng hoảng tài chính.
Chú trọng thị trường nội địa
* Vậy theo ông, giải pháp đặt ra lúc này là gì?
- Để giúp doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện vay thì phải khôi phục và củng cố, phát triển cho được quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quỹ này được thành lập từ nguồn vốn ngân sách, thu từ thuế mà các doanh nghiệp đóng khi hoạt động tốt. Quỹ này sẽ cấp bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vay vốn, duy trì hoạt động, sản xuất, kinh doanh. Việc này cần được ưu tiên trong bối cảnh hiện nay chứ ngân hàng không dám cho vay dưới chuẩn.
Ngoài việc tạo ra nguồn cung, cần chú ý đến chính sách cầu trong dân. Chúng ta cần chú ý đến thị trường nội địa 100 triệu dân trong nước trước bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp khó khăn.
Đại biểu Quốc hội dự phiên họp chiều 23-5. Ảnh: QUANG PHÚC |
Quan trọng nhất là Chính phủ phải có những chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ vốn để tăng "sức khỏe" cho người dân, tức là phải hỗ trợ nguồn lực tài chính. Trong đó, cần thêm gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn, hộ nghèo, người lao động bị mất việc, hộ gia đình có người thân là lao động chính bị mất do dịch Covid-19, trẻ mồ côi do cha mẹ mất vì dịch Covid-19… Nguồn lực trong dân sụt giảm nên cần có gói hỗ trợ cho những trường hợp này. Có như vậy mới tăng được sức cầu nội địa.
* Kênh thị trường vốn thì sao?
- Giải pháp nữa là củng cố thị trường tài chính để phát triển lành mạnh, giúp doanh nghiệp phát hành cổ phiếu, trái phiếu huy động vốn trên thị trường chứ không thể phụ thuộc duy nhất vào nguồn vốn từ ngân hàng.
Giải pháp lâu dài, theo tôi là tái cấu trúc nền kinh tế để nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế. Muốn làm được điều này, tôi cho rằng phải giảm độ mở của nền kinh tế.
"Trong bối cảnh nước ta chịu ảnh hưởng của 2 năm đại dịch Covid-19, 1 năm phục hồi kinh tế - xã hội nhưng chịu ảnh hưởng của tình hình thế giới. Vì vậy, tôi đồng tình cần tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng. Giảm thuế góp một phần trong việc kích cầu nội địa, khuyến khích tiêu dùng trong nước.
Bên cạnh đó, chất lượng, mẫu mã của sản phẩm phải phù hợp với người Việt Nam, để từ đó không chỉ khuyến khích “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà còn khuyến khích "Người Việt Nam thích dùng hàng Việt Nam”.
Để tiếp cận nhiều hơn với thị trường trong nước, tôi cho rằng cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) trong doanh nghiệp. Đồng thời có những chính sách khuyến khích về thuế, phí…", đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân chia sẻ.