Tham vọng lớn, nguồn lực lại có hạn
Khu đô thị (KĐT) Làng đại học quốc tế rộng 925ha, vốn đầu tư 3,5 tỷ USD (xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn) từng được kỳ vọng góp phần đẩy nhanh quá trình hình thành KĐT Tây Bắc, tạo ra một KĐT hiện đại với môi trường học tập, làm việc… đạt chuẩn quốc tế.
Nhưng từ khi được cấp phép năm 2008 đến nay vẫn không thể hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Đến khu dự án này trong một ngày giữa tháng 6-2022, chúng tôi chứng kiến hàng ngàn ngôi nhà bị thu hồi, đập bỏ hoang tàn, chỉ vài căn lèo tèo người ở.
Căn nhà của gia đình ông Hồ Văn Dũng (58 tuổi, cư dân) xuống cấp, ẩm thấp, tường nứt toác nhưng không thể sửa chữa. Ông Dũng than thở: “Mỗi khi mưa xuống là nhà ngập nước. Tôi có xin phép chính quyền địa phương nâng nền, sửa nhà nhiều lần nhưng không được chấp thuận”.
Cách KĐT Làng đại học quốc tế chừng 30km về phía Tây Bắc, dự án Công viên Sài Gòn Safari khởi động từ năm 2004, vốn đầu tư lên đến 500 triệu USD cũng rơi vào tình trạng chưa hoàn thành. Dự án kéo dài nhiều năm do bị kết luận sai phạm và phải tìm nhà đầu tư mới. Khu đất thuộc dự án công viên rộng 457ha, thuộc địa bàn 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi) từng được kỳ vọng trở thành khu du lịch sinh thái lớn nhất Việt Nam, nhưng hiện thành nơi chăn thả trâu, bò, trồng rau.
Dự án Bàu Đưng phục vụ tái định cư cho dự án Công viên Sài Gòn Safari rộng gần 18ha, cho 443 hộ dân, cũng vẫn giậm chân tại chỗ. Nhiều máy cẩu, thiết bị phục vụ thi công công trình ngưng hoạt động từ lâu. Gia đình ông Đoàn Văn Lanh (62 tuổi) có gần 2,5ha đất nằm trong dự án khu tái định cư, đến nay vẫn chưa di dời do không đồng thuận về giá đền bù.
Cả 5 thành viên trong gia đình phải sống trong căn nhà xây thô, không được trát vữa, sơn tường gần 20 năm qua. Ông Lanh không thể sang nhượng, sửa chữa nhà vì nằm trong quy hoạch.
Trung tuần tháng 5 vừa qua, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã có buổi tiếp xúc cử tri các huyện Hóc Môn, Củ Chi. Ông Lê Văn Khía, cử tri xã Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi), phản ánh, tại huyện có nhiều dự án nông nghiệp, du lịch sinh thái nằm dọc sông Sài Gòn, đi qua địa bàn 8 xã. Tuy nhiên, đến nay các dự án vẫn chưa được thực hiện, nhiều khu đất vẫn bỏ trống.
“Các dự án này chậm tiến độ thời gian dài đã khiến người dân không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không được cấp phép xây dựng mới, gây bức xúc kéo dài. Chúng tôi kiến nghị đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM xem xét, chỉ đạo để sớm kêu gọi đầu tư đối với các dự án này”, ông Khía nói.
Thế bí
Tại buổi làm việc mới đây giữa Sở KH-ĐT TPHCM với UBND huyện Củ Chi và các doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho hay, sau hội nghị kêu gọi đầu tư vào 2 huyện Củ Chi và Hóc Môn, rất nhiều nhà đầu tư muốn xúc tiến, đẩy nhanh đầu tư các dự án, tuy nhiên trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn cần phải tháo gỡ.
Hầu hết các dự án đang kêu gọi đầu tư gặp một số vướng mắc như: công tác đền bù giải tỏa, đất công xen cài, từ đó dẫn đến việc là cần phải xác định đấu giá hay đấu thầu dự án; một số dự án cần phải điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với thực tế; nhiều dự án đã cấp chứng nhận đầu tư nhưng chủ đầu tư chưa triển khai, kiến nghị thu hồi…
Cụ thể, dự án Công viên Sài Gòn Safari từng được lập quy hoạch nhưng hiện nay không phù hợp nên Sở QH-KT đang trình UBND TPHCM phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 1/5.000, để trên cơ sở đó lập lại quy hoạch và triển khai các bước tiếp theo cho nhà đầu tư thực hiện dự án.
Đại diện Tập đoàn Savico chia sẻ, doanh nghiệp đang sẵn sàng nguồn lực đầu tư 10.000 căn hộ nhà ở xã hội trên địa bàn huyện Củ Chi và một số dự án khác theo lời kêu gọi của thành phố. Tuy nhiên, hiện nay thủ tục còn nhiều vướng mắc nên cần sớm khơi thông.
Là người có rất nhiều tâm huyết với công tác quy hoạch, hạ tầng, một lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) nhận định, lý do khu Tây Bắc TPHCM dù có quy hoạch từ rất lâu nhưng chưa phát triển tương xứng, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư là do hạ tầng giao thông kém và vướng “quy hoạch treo”.
Đồng quan điểm, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn Trần Văn Khuyên chia sẻ, một trong những lý do khiến nhiều dự án “treo”, khó triển khai, xuất phát từ công tác quy hoạch chưa phù hợp. Hiện quy hoạch của huyện Hóc Môn được phê duyệt từ năm 2010 đã không sát thực tế, và cũng chưa dự báo đầy đủ sự phát triển của địa phương trong tương lai. Huyện rộng khoảng 11.000ha mà có đến 36 đồ án quy hoạch là quá nhiều. Có những khu đất phải gánh đến vài lớp quy hoạch khác nhau, gỡ lớp này lại vướng lớp kia, gây khó khăn cho nhà đầu tư.
Điều chỉnh quy hoạch
Từ năm 2016-2017 tới nay, Thành ủy, UBND TPHCM đã nhận thấy những bất cập nêu trên trong quá trình thực hiện quy hoạch xây dựng KĐT Tây Bắc nên đã có nhiều chỉ đạo điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn cho người dân và chính quyền địa phương.
Trên tinh thần này, Sở QH-KT TPHCM cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TPHCM, sở đã phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, tham mưu điều chỉnh một số nội dung quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 KĐT Tây Bắc theo hướng, đối với khu dân cư hiện hữu sẽ thực hiện quy hoạch cải tạo, chỉnh trang để tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống; giữ nguyên quy hoạch của KĐT Tây Bắc đối với khu vực đất nông nghiệp ngoài khu dân cư hiện hữu để kêu gọi đầu tư.
Sở QH-KT và các địa phương cũng đã xác định được ranh cụ thể của khu dân cư hiện hữu, ước rộng khoảng 1.674ha với hơn 57.000 nhân khẩu, chủ yếu nằm dọc quốc lộ 22. Ngày 5-2-2020, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 351/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh nội dung này.
Tuy nhiên, theo Sở QH-KT TPHCM, do quy hoạch KĐT Tây Bắc được xác định tại Quyết định số 24/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ khi phê duyệt quy hoạch chung xây dựng TPHCM, việc điều chỉnh quy hoạch KĐT Tây Bắc phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Hiện UBND TPHCM đang tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM. Nếu chờ đến khi đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM được duyệt (dự kiến khoảng 2 năm nữa mới xong) rồi mới bắt đầu thực hiện lập đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 KĐT Tây Bắc, thì ít nhất 3-4 năm nữa những bất cập nêu trên mới được tháo gỡ.
Trong khi đó, những khó khăn của người dân trong KĐT Tây Bắc đã kéo dài gần 20 năm đang làm kiệt sức họ. Chờ đợi thêm 3-4 năm nữa cũng sẽ làm cho thời cơ đầu tư phát triển KĐT này vừa được TPHCM kêu gọi qua Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Củ Chi, Hóc Môn… trôi đi.
Với tất cả những lý do này, Sở QH-KT đã kiến nghị UBND TPHCM báo cáo, xin phép Thủ tướng Chính phủ xem xét cho TPHCM tổ chức lập quy hoạch KĐT Tây Bắc điều chỉnh theo hướng mà Thành ủy và UBND TPHCM đã chỉ đạo thực hiện trong thời gian qua. Sở này cũng cho biết, những điều chỉnh đó cũng hoàn toàn phù hợp với nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040 mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt cho TPHCM.
Cùng quan điểm với TPHCM, một số chuyên gia quy hoạch đô thị cũng cho rằng, phải điều chỉnh quy hoạch KĐT Tây Bắc bởi đây là yếu tố quan trọng giúp tháo gỡ những bất cập trong thu hút đầu tư.
Bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho rằng, KĐT Tây Bắc có quy mô lớn, trải dài trên địa bàn huyện Củ Chi, quy hoạch từ lâu đã ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng như công tác chỉnh trang đô thị trên địa bàn huyện, gây lãng phí tài nguyên đất. Quyền lợi chính đáng về đất đai, nhà cửa của người dân từ đó cũng bị ảnh hưởng. |
Sở QH-KT TPHCM kiến nghị thay đổi quy mô diện tích KĐT Tây Bắc (đô thị mới) giảm từ 6.084ha xuống còn 4.410ha. Tách khu dân cư hiện hữu 1.674,2ha ra khỏi KĐT Tây Bắc. Điều chỉnh quy mô dân số KĐT Tây Bắc từ 300.000 người lên 600.000 người. Giảm quy mô khu đào tạo đại học từ 306ha xuống còn khoảng 150ha. |