Không chờ sự việc đã rồi mới vào cuộc
Trong thực tế, nhiều trường hợp người dân có đất nông nghiệp nằm xen kẽ trong các khu dân cư có nhu cầu về nơi ở nhưng không thể xây dựng nhà ở vì bị vướng quy hoạch. Trong khi đó, với những khu đất nông nghiệp nằm cận kề, xen kẽ các khu dân cư, thì việc chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng nhà ở hoặc phục vụ hoạt động kinh doanh, thương mại chắc chắn sẽ xảy ra, vấn đề chỉ là không sớm thì muộn mà thôi. Và, những người có thông tin sớm về quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi sử dụng đất sẽ là những người đi đầu thu gom đất nhằm đón đầu quy hoạch, hoặc tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp thành khu dân cư mà không theo quy hoạch.
Để ngăn chặn tận gốc việc ra đời các khu dân cư tự phát, cơ quan chức năng cần tích cực trong việc triển khai quy hoạch, phê duyệt quy hoạch phù hợp, kịp thời. Trong đó, quan tâm đến việc sớm công bố quy hoạch chi tiết khu dân cư, chủ động mở rộng quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế, nhu cầu thực tế của người dân. Bên cạnh đó, cần sớm ngăn chặn, xử lý các khu dân cư tự phát ngay khi nó mới manh nha hình thành, không chờ sự việc đã rồi mới vào cuộc xử lý thì rất khó khăn.
VĨNH LINH (Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)
Giảm thiểu vi phạm bằng chính sách và quản lý phù hợp
Những năm gần đây, tình hình xây dựng nhà không phép diễn ra nhiều tại một số quận huyện vùng ven. Các đầu nậu mua gom đất nông nghiệp của người dân rồi phân lô bán nền hay xây nhà không phép để bán cho người thu nhập thấp. Việc phân lô bán nền như vậy đã hình thành nhiều khu dân cư tự phát không đảm bảo hạ tầng kỹ thuật đô thị, phá vỡ quy hoạch, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Dù TPHCM đã có chỉ đạo sát sao, nhưng tình hình xây dựng trái phép trên địa bàn vẫn chưa chấm dứt. Trong các nguyên nhân, có nguyên nhân một số cán bộ quản lý ở địa phương tiêu cực, nhận “chung chi”, tiếp tay cho việc xây nhà ở không phép.
Để giảm thiểu đến mức thấp nhất tình trạng xây nhà trái phép, đòi hỏi sự thay đổi lớn trong nếp nghĩ, cách sống của người dân và phương pháp làm việc của cán bộ các cấp. Yêu cầu trước tiên là cần có sự điều chỉnh, ràng buộc để cán bộ, công chức không dám vi phạm; khi vi phạm sẽ bị xử lý thích đáng. Chính quyền cần thường xuyên rà soát, công bố kế hoạch sử dụng đất hàng năm cho người dân nắm bắt; kiên quyết thu hồi và xóa các dự án đã treo nhiều năm, đẩy nhanh việc cho chuyển đổi mục đích đất ở để người dân có thể làm nhà một cách hợp pháp. Giảm thiểu vi phạm bằng chính sách và quản lý phù hợp, nhất là có giải pháp đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình qua việc có chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, kéo giá căn hộ thương mại “mềm” hơn, và có chính sách tín dụng hỗ trợ công nhân viên chức mua nhà. Đồng thời, có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển loại hình cao ốc chung cư cho thuê để người nghèo có nhà ở khang trang, sạch đẹp.
NGUYỄN TRƯƠNG (quận Bình Tân, TPHCM)
Quy hoạch phải đi đôi với kế hoạch sử dụng đất
Đất đai các quận huyện vùng ven phần lớn có nguồn gốc đất nông nghiệp, là ruộng vườn của người dân. Nay nhiều diện tích đất nông nghiệp vùng ven được quy hoạch chuyển sang xây dựng đô thị, đất dịch vụ phi nông nghiệp. Tuy nhiên, do công tác quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất không sát thực tế, đã dẫn đến nhiều khu quy hoạch treo. Quy hoạch đất dành cho nhà ở, trường học, siêu thị, công viên cây xanh…, nhưng qua nhiều năm trên thực tế vẫn là đất nông nghiệp. Nhiều chủ đất mỏi mòn chờ đợi nhưng không thấy thực hiện quy hoạch, đã chia nhỏ vườn tược, sang nhượng lấy tiền sinh sống. Một số gia đình phân nhỏ diện tích đất chia cho con cái xây dựng nhà không phép. Một số đầu nậu cấu kết với các cán bộ biến chất, xây dựng nhà ở, công trình tràn lan trên đất nông nghiệp.
Để ngăn chặn tình trạng xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, phải bắt đầu từ việc quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Quy hoạch đi trước một bước, nhưng phải gắn liền với kế hoạch sử dụng đất. Khi quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất sát thực tế, thì tình trạng quy hoạch treo không còn nữa. Nơi được quy hoạch làm nhà ở, người dân được chuyển mục đích sử dụng sang đất ở, xin giấy phép để xây dựng nhà, những người không thuộc diện này sẽ được đền bù để tạo lập cuộc sống và nơi ở mới. Đối với những khu nằm ngoài quy hoạch, người dân vẫn tiếp tục canh tác, trồng trọt để nuôi sống gia đình, chứ không phải để đất hoang hóa như hiện nay.
NGUYỄN HIỀN (quận Thủ Đức, TPHCM)