Dù lý giải thế nào, tức là có lý do như thế nào, thì bản thân việc các tuyến đường cứ bị đào lên xới xuống cũng gây phản cảm cho người dân. Mặt khác, việc làm này chẳng những gây cản trở giao thông, gây thiệt hại về kinh tế, mà còn gây ra phiền hà cho cư dân thị thành. Điều này cho thấy, thiếu vắng một sự quản lý, điều phối, chỉ huy thống nhất, xuyên suốt từ cấp thẩm quyền.
Để ngăn chặn điều này, các chuyên gia am tường địa hạt giao thông vận tải thành phố cho rằng, tốt nhất là cấp thẩm quyền chỉ cấp phép thi công trên các tuyến đường khi nhận được phương án phối hợp đồng bộ đối với các công trình thi công trên cùng phạm vi.
Cụ thể hơn, Sở GTVT cần khuyến cáo các chủ đầu tư có kế hoạch thi công công trình hạ tầng kỹ thuật, trong thời gian tới phải chủ động phối hợp, liên hệ với các cơ quan, đơn vị quản lý đường bộ, để cùng xây dựng phương án thi công đồng bộ khi có công trình cùng phạm vi với các chủ đầu tư khác. Đặc biệt, là trên các tuyến đường thi công hệ thống thoát nước có cải tạo toàn bộ mặt đường, vỉa hè…
Vẫn theo các chuyên gia, sau khi các công trình xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn thành, mặt đường được tái lập hoàn thiện, sẽ không cấp phép đào đường đối với các tuyến đường, đoạn đường này trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm, tùy theo quy mô mặt đường.
Đối với các công trình do quận huyện quản lý, ủy ban nhân dân các địa phương cũng chỉ nên cấp phép thi công khi nhận được phương án phối hợp thi công đồng bộ của các chủ đầu tư có công trình thi công cùng phạm vi. Ủy ban nhân dân các quận, huyện sẽ chịu trách nhiệm trước chính quyền thành phố nếu để xảy ra tình trạng thi công đào, tái lập nhiều lần tại cùng vị trí.