Để không còn văn bản “lỗi”

Tại sao có những văn bản ban hành chưa ráo mực đã phải thu hồi? Theo báo cáo tổng kết năm 2014 - kế hoạch năm 2015 của Bộ Tư pháp, tình trạng sai sót trong các văn bản pháp luật, các quyết định hành chính vẫn còn khá phổ biến.

Qua kiểm tra theo thẩm quyền, Bộ Tư pháp bước đầu phát hiện 855 văn bản có vi phạm, trong đó có 132 văn bản có vi phạm về nội dung. Các cơ quan thuộc bộ cũng đã đề nghị bỏ và sửa đổi hàng trăm thủ tục hành chính. Cũng trong năm 2014, có 5 cán bộ ở các bộ, ngành bị kỷ luật, điều chuyển công tác khác do tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trái thẩm quyền, không phù hợp với thực tế...

Tuy nhiên, vẫn có những văn bản “lọt sàng” cơ quan thẩm định. Đơn cử, trong số những văn bản có liên quan mật thiết đến hoạt động của doanh nghiệp, Thông tư số 20 năm 2014 của Bộ KH-CN hướng dẫn thực hiện Nghị định 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, bị chính bộ này ra quyết định ngưng hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-9-2014, nghĩa là còn chưa kịp thực hiện ngày nào.

Nguyên nhân, như được giải thích trong quyết định của Bộ KH-CN, là vì các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng như các cơ quan nhà nước có thẩm quyền “chưa chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để triển khai thực hiện việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng theo tinh thần của thông tư này”.

Còn theo phản hồi từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), việc Thông tư số 20 của Bộ KH-CN quy định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng muốn được nhập khẩu phải “có thời gian sử dụng không quá 5 năm, chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên” là quá khắt khe, không phù hợp thực tiễn. Thực hiện theo hướng dẫn này thì ngay cả việc “đại gia” công nghệ Microsoft Việt Nam nhập khẩu các dây chuyền sản xuất đã qua sử dụng của Tập đoàn Nokia mà họ đã mua lại trước đó về lắp ráp tại nhà máy của mình ở Bắc Ninh cũng không được phép...

Trong đời sống xã hội, các quy định... thiếu thực tế càng nhiều hơn, từ chuyện “ngực lép không được lái xe” hay “phải bán thịt trong vòng 8 tiếng”, “phạt 5 triệu đồng nếu sử dụng điện thoại ở cây xăng”. Rồi “viếng đám ma không được quá 7 vòng hoa”, “không được để ô kính trên nắp quan tài”, “cấm bán bia vỉa hè”, “kinh doanh bia phải có nhiệt độ dưới 30oC”, “UBND các cấp có nhiệm vụ bắt giữ chó mèo chạy rông”... Xem ra, như một đại biểu Quốc hội vốn có lối nói thẳng từng nhận xét, bởi có nhiều nơi, nhiều chỗ “ngồi trên... trời làm văn bản” nên không chỉ có cơ quan kiểm tra văn bản còn rất nhiều việc phải làm, mà những đối tượng có liên quan đến văn bản pháp luật cũng cần phản hồi để chung tay xây dựng một môi trường pháp luật tốt.

Cho nên đã đến lúc cần mạnh tay hơn với các cơ quan làm chính sách cho “ra lò” những sản phẩm lỗi tai tiếng như vậy. Con số 5 cán bộ bị kỷ luật, so với gần cả ngàn văn bản lỗi, thiệt hại khó đong đếm thì liệu đã tương xứng hay chưa?.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục