Theo Liên hợp quốc, Ngày Dân số thế giới 2024 là thời điểm để xem xét những ai, những nhóm dân số nào chưa được thống kê và điều này gây thiệt hại thế nào cho các cá nhân, xã hội và những nỗ lực toàn cầu. Gần 2 năm kể từ khi dân số chạm mốc 8 tỷ người, nhiều quốc gia trên thế giới như Ấn Độ, Bangladesh… đã và đang tận dụng hiệu quả lợi thế về dân số để thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng, cơ hội đi cùng thách thức.
Những thách thức được nêu ra từ khi mốc 7 tỷ người cách đây 13 năm đến nay như xung đột, bất bình đẳng hay phân biệt đối xử... vẫn tồn tại, trong khi biến đổi khí hậu tiếp tục là mối đe dọa lớn nhất đối với đa dạng sinh học và an ninh lương thực. Theo UNICEF, trên thế giới hiện có 2 tỷ người đang phải sống trong điều kiện thiếu nước nghiêm trọng. Dự kiến, đến năm 2050, nhu cầu về nước sẽ tăng 50%, gây áp lực lớn lên nguồn nước ngọt trên toàn cầu.
Trong khi đó, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết có khoảng 828 triệu người bị đói mãn tính. Đến năm 2050, sản xuất lương thực cần phải tăng 60% để đáp ứng nhu cầu của dân số 9,7 tỷ người. Nhu cầu năng lượng toàn cầu cũng dự kiến sẽ tăng 50% vào năm này. Gia tăng dân số dẫn đến nhu cầu năng lượng, tài nguyên cao hơn, góp phần vào phát thải khí nhà kính, làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu.
Thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực và sức khỏe con người. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các nỗ lực giảm nghèo đói và bất bình đẳng không thực sự tiến triển, kéo theo những thách thức cho phát triển bền vững.....
Để giảm thiểu rủi ro và tận dụng cơ hội từ bùng nổ dân số, cần đưa ra những quyết định đúng đắn dựa trên những dự báo đáng tin cậy về xu hướng dân số và những thay đổi trong tương lai. Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, việc đầu tư vào thu thập dữ liệu là rất quan trọng để hiểu rõ các vấn đề, đưa ra giải pháp phù hợp và thúc đẩy tiến bộ.