Quy định lạc hậu
Theo quy hoạch, tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên chỉ có 3 ga ngầm trên tổng số 14 ga (ga Trung tâm Bến Thành, ga Nhà hát thành phố, ga Ba Son). Việc bố trí đi ngầm nhằm tận dụng tối đa không gian ngầm, hạn chế giải tỏa; qua đó, giảm chi phí giải phóng mặt bằng, hạn chế xung đột với các công trình cao tầng hiện hữu.
Quy mô một nhà ga ngầm có thiết kế chung như sau: chiều dài bên trong nhà ga 240m, rộng 22m, chiều sâu tối thiểu 13,6m. Nhà ga có ít nhất 2 tầng: tầng sảnh chờ (bố trí phòng cơ điện, phòng nhân viên ga, trang thiết bị phục vụ hành khách như máy bán vé, cổng thu phí, nhà vệ sinh...) và tầng ke ga. Việc bố trí đảm bảo sự giao cắt luồng hành khách là thấp nhất và việc mua vé, lên tàu của hành khách phải thuận tiện nhất. Muốn vận hành thành công và hiệu quả, việc định hướng phát triển vận tải hành khách (TOD) là rất cần thiết; trong đó, các nhà ga đóng vai trò chủ đạo. TOD đề cập đến việc thiết kế khu vực nhỏ gọn, dành cho các mục đích hỗn hợp, gồm định cư và thương mại nhằm giảm thiểu nhu cầu vận chuyển cá nhân và khuyến khích hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng với các trạm dừng, đón khách. TOD không chỉ cần thiết cho việc vận hành thành công của hệ thống đường sắt đô thị mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực xung quanh các ga tàu điện ngầm, tăng số người sử dụng phương tiện công cộng và mang lại sự thỏa mãn hơn cho hành khách. Do đó, qua quá trình tiếp nhận và triển khai các dự án hỗ trợ kỹ thuật, Ban Quản lý đường sắt đô thị đã đề nghị bên tư vấn lưu ý nghiên cứu nội dung phát triển theo TOD tại các khu vực nhà ga nhằm đảm bảo bố trí đủ quỹ đất để phát triển và kết nối với các phương tiện giao thông công cộng khác, như bố trí bãi đậu xe máy, vị trí tiếp cận của xe buýt, phát triển các cơ sở thương mại tại các ga...
Mong muốn là vậy nhưng ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban Ban Quản lý đường sắt đô thị, nêu lên thực trạng TPHCM ngày càng “đất chật, người đông”, phát triển không gian ngầm có thể được xem là kinh tế và hiệu quả nhằm tăng giá trị sử dụng đất, nhưng quy định pháp luật liên quan đến quản lý không gian ngầm, tuy đã có nhưng đang lạc hậu, chưa được cập nhật, bổ sung kịp thời. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn của ga ngầm đường sắt đô thị đều phải áp dụng các tiêu chuẩn xây dựng của nước ngoài để thiết kế, thi công. Bên cạnh đó, TP hiện đang trong quá trình xây dựng đồ án quy hoạch không gian ngầm cho toàn TP, điều này sẽ gây khó khăn trong việc lập, quản lý không gian ngầm, dẫn đến việc xem xét cấp phép xây dựng công trình ngầm còn theo sự vụ. Việc chưa hoàn thiện hệ thống pháp lý trong đầu tư và khai thác không gian ngầm đã ít nhiều ảnh hưởng đến các nhà đầu tư muốn phát triển không gian ngầm.
Chưa kết nối ga metro với cao ốc
Bất cập lớn nhất hiện nay đối với tuyến metro số 1 là chưa kết nối với các công trình dân dụng. Theo đó, có khoảng 10 chủ đầu tư của các công trình lân cận khu vực nhà ga (Tập đoàn Vingroup, Công ty cổ phần Bất động sản CT, Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco, Satra...) xin kết nối với công trình nhà ga. Nếu được chấp thuận cho phép kết nối vào các nhà ga thì giá trị công trình của họ sẽ tăng lên khá nhiều, mang lại lợi ích cho các đơn vị sở hữu các công trình được kết nối.
Để có thể phát huy hiệu quả việc khai thác các nhà ga ngầm nói riêng và không gian ngầm của TP nói chung, Ban Quản lý đường sắt đô thị đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý không gian ngầm; trước mắt, cần rà soát, bổ sung và ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế của các công trình ngầm. Ngoài ra, cần thêm cơ chế cụ thể để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan kiểm soát quá trình thi công. Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư trong việc xây dựng các công trình tiện ích công cộng cũng phải được sớm hoàn thiện như xây dựng bãi xe ngầm…
Mặt khác, việc xây dựng cơ sở dữ liệu và quản lý thống nhất xây dựng các công trình ngầm cần tiến hành một cách tổng thể và có quy hoạch để đảm bảo sự kết nối các công trình liên quan. Do đó, phải có cơ sở dữ liệu thống nhất để quản lý. Đồng thời có đơn vị làm đầu mối để thu thập, xây dựng, quản lý dữ liệu công trình ngầm. Cơ quan quản lý nhà nước này cũng cần thiết lập, cập nhật và công khai hóa các số liệu phục vụ như hệ thống thoát nước, cấp nước, thông tin liên lạc, địa chất… cho công tác thiết kế, lập dự án các công trình ngầm. Để hình thành hoàn chỉnh tuyến đường sắt đô thị, còn cần thiết có quỹ đất cho công trình phụ trợ, kết nối đường sắt đô thị để người dân thuận tiện sử dụng; có quỹ đất dọc hành lang đường sắt đô thị để tận dụng được giá trị sử dụng đất tăng cao từ đường sắt đô thị mang lại. Tuy vậy, do chưa có kinh nghiệm nên trong quy hoạch không đề cập đến vấn đề này, các dự án đường sắt đô thị hiện nay chỉ được giao đất theo đúng phạm vi chiếm dụng của ranh tuyến đường sắt đô thị và nhà ga.
Theo các chuyên gia đô thị, bên cạnh các dự án đường sắt đô thị đang triển khai, cần giao cho các đơn vị liên quan nghiên cứu song song dự án xây dựng công trình liên phương thức kết nối các nhà ga đường sắt đô thị (đặc biệt là xe buýt); đồng thời, có nghiên cứu quy hoạch phát triển đô thị chung quanh các nhà ga là hết sức cần thiết…