Để KH-CN thực sự là quốc sách, là sức mạnh của đất nước và nâng tầm trí tuệ dân tộc
SGGPO
Đảng và Nhà nước sẽ thường xuyên lắng nghe ý kiến đóng góp tâm huyết của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học để đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo.
Sáng nay (14-5), tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức gặp mặt trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2019. Tham dự cuộc gặp gỡ có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ (KH-CN); Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; cùng 100 trí thức tiêu biểu là các nhà khoa học đã đạt các giải thưởng KH-CN trong nước, quốc tế, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Kovalevskaia, các nhà khoa học đầu ngành.
Toàn cảnh cuộc gặp mặt. Ảnh T.B
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, đồng chí Võ Văn Thưởng đánh giá cao vai trò của các trí thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều nhà khoa học Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận. Công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo kể từ 1986 đến nay đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, kinh tế xã hội phát triển, an ninh quốc phòng được bảo đảm, tiềm lực và quy mô nền kinh tế ngày một tăng lên, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Có được thành tựu to lớn ngày hôm nay là công sức của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức KH-CN Việt Nam.
“Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn đánh giá cao những đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, những người đã không quản ngày đêm, khắc phục mọi khó khăn thử thách, luôn miệt mài nghiên cứu, sáng tạo, có những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước”, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo đồng chí Võ Văn Thưởng, nhìn một cách tổng thể, sự phát triển đội ngũ trí thức cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu còn có những hạn chế, bất cập; vị trí và vai trò của đội ngũ trí thức chưa được phát huy đầy đủ; việc huy động tiềm năng của trí thức vào sự nghiệp phát triển đất nước vẫn còn thấp so với yêu cầu; vẫn còn một vài trí thức chưa ý thức đầy đủ trách nhiệm và bổn phận trước Tổ quốc và dân tộc.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của KH-CN, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng kinh tế tri thức, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Đảng ta khẳng định: xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị; đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu tại cuộc gặp mặt. Ảnh T.B
“Trước các biến động nhanh chóng của tình hình quốc tế và trong nước, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước luôn đặt ra nhiều vấn đề mới cần hoàn thiện, bổ sung, phát triển. Chính vì vậy, quá trình thực hiện sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước cần phải tiếp tục nghiên cứu, từng bước hoàn thiện từ lý luận đến thực tiễn, điều này phụ thuộc rất lớn vào sự tham gia, đóng góp của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học Việt Nam", đồng chí Võ Văn Thưởng cho biết.
"Toàn Đảng, toàn dân luôn luôn trân trọng và kỳ vọng vào đội ngũ trí thức. Rất mong muốn đội ngũ trí thức và các nhà khoa học tiếp tục không ngừng phấn đấu, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, phát huy vai trò năng động, sáng tạo, vươn lên trở thành nhân tố nòng cốt, tiên phong trong xây dựng và phát triển đất nước. Đảng và Nhà nước sẽ thường xuyên lắng nghe ý kiến đóng góp tâm huyết của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học để đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo”, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Ghi nhận những đóng góp của đội ngũ trí thức nước nhà, ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ KH-CN, đã chỉ ra kết quả từ những công trình nghiên cứu đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, ông cũng mong muốn các nhà khoa học sáng tạo hơn nữa, cần có nhiều nhà khoa học giỏi trong các viện nghiên cứu, các kỹ sư trong các doanh nghiệp... để tiếp tục nhân rộng kiến thức vào thực tế. Bộ KH-CN sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ các nhà khoa học trong việc các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ công nghệ, tiến bộ kỹ thuật. Tất cả hướng đến mục tiêu để phát triển đất nước Việt Nam giàu mạnh, bền vững, theo kịp với sự phát triển thế giới.
Các nhà khoa học, trí thức cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại cuộc gặp mặt. Ảnh T.B
Tại cuộc gặp mặt, các nhà khoa học cũng đưa ra kiến nghị cụ thể để thuận lợi hơn trong nghiên cứu, tiếp cận được công nghệ mới trong bối cảnh chuyển đổi số, nhanh chóng làm chủ công nghệ tạo ra các sản phẩm ứng dụng rộng.
Theo GS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sau hơn 30 năm đổi mới, để Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu lương thực có sự đóng góp lớn của KH-CN. Tuy nhiên để ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại và bền vững, đưa Việt Nam thành một trong 10 nước xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu thế giới.
GS Nguyễn Thị Lan đại diện đề xuất Nhà nước cần có chính sách cụ thể, khả thi trong đào tạo cán bộ KH-CN theo tinh thần “thực học, thực hành, thực danh, thực nghiệm” để có một đội ngũ các nhà khoa học nông nghiệp có đủ phẩm chất và năng lực để tiếp thu và làm chủ các công nghệ tiến tiến của thế giới cũng như sáng tạo ra các công nghệ mới mang thương hiệu của Việt Nam. Trong đó, phải gắn liền đào tạo, chuyển giao công nghệ với khởi nghiệp.
PGS-TS Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng, trong cách mạng công nghiệp 4.0, trong trào lưu chuyển đổi số, nơi công nghệ tiên tiến lan tỏa đến khắp thế giới, vấn đề chính không phải là làm thế nào để tiếp cận mà là làm thế nào để nhanh chóng làm chủ được công nghệ, từ đó kết hợp với các ý tưởng đột phá để tạo ra các công nghệ, sản phẩm và dịch vụ có giá trị, góp phần để phát triển mạnh mẽ đất nước. Cần có sự đầu tư bài bản, đào tạo và nghiên cứu trong trường đại học để có nguồn nhân lực chất lượng cao, không những có khả năng thích ứng, tự lực để phát triển được công nghệ để sáng tạo ra sản phẩm và dịch vụ tiên tiến, là yếu tố sống còn cho việc bắt kịp và vượt lên trong xu hướng chuyển đổi số.
“Nguồn nhân lực trình độ cao này yêu cầu phải được tiếp cận với KH-CN tiên tiến ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, được tham gia vào các đề tài nghiên cứu trong suốt quá trình học để có thể học thông qua trải nghiệm và giải quyết vấn đề”, PGS-TS Tạ Hải Tùng nhấn mạnh.
GS-TS Nguyễn Quang Liêm (Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam) kiến nghị cần có chiến lược và quyết liệt thực hiện việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực 4.0, cụ thể là nhân lực cho công nghệ số, vật lý, khoa học công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học; cần phải có cơ chế, chính sách thiết thực và hiệu quả. Làm như vậy để giữ được lực lượng cán bộ đang làm việc tiếp tục cống hiến, đóng góp (với chế độ trả công xứng đáng, có các yếu tố động viên).
Đồng thời, khơi dậy được niềm đam mê học KH-CN cho học sinh phổ thông để các cháu tiếp tục học để làm KH-CN trong tương lai, tạo được niềm tin cho các cháu là có thể sống bằng nghề làm KH-CN và sẽ có điều kiện,môi trường nghiên cứu, theo đuổi ước mơ KH-CN. Qua đó, đẩy mạnh sự hội nhập, hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực bên ngoài tham gia hoạt động KH-CN trong nước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng một số nhà khoa học tại cuộc gặp mặt. Ảnh T.B
Phát biểu kết thúc cuộc gặp gỡ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dành nhiều lời tri ân tới những đóng góp của các trí thức đối với sự phát triển của đất nước; đồng thời chia sẻ những khó khăn chưa được tháo gỡ về cơ chế tài chính, cũng như trong quản lý hoạt động nghiên cứu KH-CN hiện nay.
Theo Phó Thủ tướng, dù trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước đều khẳng định KH-CN là quốc sách hàng đầu trên tinh thần cầu thị, nhưng thực tế nhiều nơi chưa thực hiện như chỉ thị, nhiều chính sách chưa được thực hiện như mong muốn. Tuy nhiên ở giai đoạn thế giới phát triển như vũ bão hiện nay, nếu không coi KH-CN là quốc sách, chìa khóa có tính chất quyết định thì chắc chắn thất bại. Hiện nay, Chính phủ và các cơ quan chức năng đang nghiên cứu và đưa vào các văn kiện với tinh thần quyết liệt, "nói đi đôi với làm" để KH-CN thực sự là quốc sách hàng đầu, không để những mục tiêu ngắn hạn lấn át mục tiêu dài hạn.
Theo Phó Thủ tướng, tổng thực chi cho KH-CN hiện nay còn thấp (chỉ đạt 0,4% chi ngân sách thường xuyên quốc gia), vì vậy, thời gian tới cần có chính sách kinh tế để doanh nghiệp thấy được cái lợi khi đầu tư cho KH-CN; đặc biệt cần khai thông đổi mới trong thu chi khoa học. Chính sách tài chính đã có nhiều thay đổi nhưng chưa đáp ứng được mong mỏi của các nhà khoa học. Nhiều công trình, đề tài, dự án các nhà khoa học vẫn phải vất vả, mất nhiều thời gian trong thanh, quyết toán. Để hợp thức hóa nguồn chi chính đáng, vẫn còn tình trạng nhà khoa học phải “sáng tác” số liệu.
"Trong khoa học là phải chấp nhận tính rủi ro, không thể quản khoa học như các lĩnh vực khác, phải tin nhà khoa học”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.