Câu hỏi đặt ra là làm gì để HTX tiếp tục phát huy vai trò là “bước đệm” để nông dân đưa nông sản tiếp cận thị trường bài bản hơn?
Vùng nuôi thủy sản cũng cần gắn kết với HTX để chủ động cung cấp nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Ảnh: CAO PHONG |
Gắn kết để cùng thắng, cùng đi đường dài
Ông Nguyễn Văn Phụng (tên thường gọi Hai Phụng), là nhà vườn ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ nhưng ông lại bán chanh không hạt mà mình trồng cho HTX Trái cây sinh học OCOP tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Chuyện cũng không gì lạ, bởi HTX Trái cây sinh học OCOP luôn mua chanh với giá cao hơn giá thị trường để xuất khẩu đi nhiều nước.
“Tôi vừa thu hoạch, bán được 1,4 tấn chanh cho HTX với giá 24.500 đồng/kg (cao hơn mặt bằng giá thị trường 2.000 đồng/kg). Mức giá này cao gần gấp 2,5 lần so với hồi đầu năm 2023”, ông Phụng cho biết.
Theo ông Phụng, với diện tích 1ha trồng chanh không hạt, nhà vườn chỉ cần bán chanh với mức giá 10.000 đồng/kg là đã khấm khá rồi. Còn với giá được HTX thu mua 24.500 đồng/kg thì nhà vườn lời khẳm.
Nói như thế, nhưng để chanh xuất khẩu, gia đình ông Phụng phải tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt. Hàng tuần đều có người của HTX đến kiểm tra, hướng dẫn ghi nhật ký, sử dụng vật tư nông nghiệp. Hiện HTX đã mở rộng vùng nguyên liệu gần 400ha. Nhiều nhà vườn đăng ký muốn được vào HTX.
“Phát triển vùng nguyên liệu chậm mà chắc gắn với bền vững mới yên tâm xuất khẩu đường dài ra nước ngoài”, ThS Trần Bá Sơn, Giám đốc HTX Trái cây sinh học OCOP chia sẻ và cho rằng “Thực tế, nếu nguồn lực tài chính của HTX được tiếp cận tốt hơn với phía ngân hàng, chắc chắn chúng tôi sẽ dễ nắm bắt cơ hội từ thị trường hơn. Điều đó, đồng nghĩa với việc HTX phải mở rộng vùng nguyên liệu, thu nạp thêm thành viên trong HTX”.
Hiện HTX Trái cây sinh học OCOP có khoảng 100 thành viên. Cái độc đáo của HTX là có 3 người có trình độ thạc sĩ, 19 người có trình độ đại học, đa phần là ngành nông nghiệp “ra lò” từ Trường ĐH Cần Thơ. Chuyện các thành viên chủ chốt của HTX xách cặp đi nước ngoài làm việc với khách hàng thu mua nông sản đã trở thành chuyện bình thường.
Thực tế, tại Hậu Giang, những HTX hoạt động hiệu quả là nhờ các thành viên chủ chốt của HTX năng động, nhạy bén với thị trường. Cùng với HTX Trái cây sinh học OCOP, HTX Kỳ Như (huyện Phụng Hiệp) là điển hình. Bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như là một người trẻ, năng động, luôn tổ chức các chuyến đi Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), TPHCM… để tìm hiểu phát triển thị trường. Hiện 11 sản phẩm từ cá thác lác, khô sặc rằn đạt chuẩn OCOP 4 sao của HTX đã có mặt tại hệ thống siêu thị Vincom, Metro, hệ thống cửa hàng tiện lợi Vinmart, Mega và hơn 20 đại lý trong cả nước. HTX Kỳ Như cung cấp khoảng 500 tấn cá thác lác nguyên liệu phục vụ sản xuất, cung cấp cá thác lác rút xương vị tiêu, vị sả ớt, chả cá tươi nguyên chất 100% … cho thị trường cả nước.
"Các địa phương trong vùng cần hành động quyết liệt để mở rộng không gian cho HTX phát triển. Khi HTX phát triển bền vững, ĐBSCL mới vượt qua lời nguyền “sản xuất nhỏ lẻ, manh mún”, hướng đến định hình chuỗi ngành hàng. HTX bền vững, chúng ta mới xây dựng được thương hiệu nông sản" -Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan.
Sớm khắc phục các hạn chế
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cho biết: “Hiện ĐBSCL có trên 2.600 HTX nông nghiệp (HTXNN) và 20 Liên hiệp HTXNN, chiếm 13,4% tổng số HTXNN toàn quốc. So với thời điểm năm 2016, tổng số HTXNN cả vùng tăng hơn 2 lần. ĐBSCL có hơn 2.000 HTXNN hoạt động hiệu quả, chiếm 82,8% tổng số HTXNN cả vùng. Có 343 HTXNN ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, chiếm 14,1% tổng số HTXNN cả vùng. Nhiều điển hình HTXNN thành công trong liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị giữa HTX với doanh nghiệp ở vùng ĐBSCL đã trở nên khá phổ biến”.
Lãnh đạo tỉnh Hậu GIang tham quan cơ sở sản xuất của HTX Trái cây sinh học OCOP |
Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, người rất chịu khó lặn lội tìm hiểu hoạt động của trên 500 HTX và hơn 2.000 tổ hợp tác, với gần 100.000 người tham gia, nhìn nhận: Bên cạnh hoạt động của nhiều HTX đã gắn với bao tiêu sản phẩm, mã số vùng trồng…, vẫn có một số HTX có “nhân vật quậy phá” dẫn đến hoạt động kém hiệu quả. Từ thực tế đó, ông Lê Hữu Toàn đề xuất: “Cần phải thận trọng với HTX hoạt động yếu kém, nên chăng giải thể chứ không sáp nhập, vì có đối tượng quậy phá. Cần khẳng định: Vai trò của hệ thống chính trị là rất quan trọng. Chỗ nào hệ thống chính trị quan tâm thì HTX phát triển tốt”.
ĐBSCL đều vướng điểm nghẽn: Vai trò của người quản lý HTX, nguồn vốn của HTX còn khiêm tốn, khó mở rộng các hoạt động sản xuất cũng như làm dịch vụ. Thật ra, ngành nông nghiệp và các xã viên ở nhiều HTX đã bắt đầu thừa nhận: Vai trò quản lý HTX của đội ngủ trẻ, năng động, nhiệt quyết. “Cần từng bước cơ cấu lại giám đốc HTX theo hướng trẻ - có trình độ, nhưng hiện nay rất khó mời gọi”, ông Lê Hữu Toàn cho biết.
Còn về nguồn vốn cho HTX, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết: “Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo các cơ quan của bộ xây dựng kế hoạch gắn với gói tín dụng, gói sản phẩm cụ thể với từng địa phương để hỗ trợ các HTX”. Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, vai trò dẫn đắt của các doanh nghiệp hiện nay là rất quan trọng trong sự tương tác, gắn kết với các HTX. Rất mong cộng đồng doanh nghiệp, dấn thân gắn kết với HTX nhiều hơn nữa để góp phần vào chiến lược phát triển bền vững của ĐBSCL.
“Tỉnh luôn xác định phát triển kinh tế tập thể, HTX vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp quan trọng để xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Khu vực kinh tế tập thể có chuyển biến tích cực, nhiều loại hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội. Tuy nhiên, HTX còn ít về số lượng và yếu về chất lượng. Hiệu quả hoạt động thấp, chưa tạo được động lực lan tỏa, thu hút các thành phần tham gia. Nhận thức và lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền về vị trí, vai trò kinh tế tập thể chưa đầy đủ, lúng túng. Nguồn lực hỗ trợ bố trí còn dàn trải, phân tán, thiếu tính khả thi… Đây cũng là những điều cần sớm được chấn chỉnh, để thúc đẩy HTX phát triển hơn nữa” - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh.