TPHCM phải là đặc khu kinh tế
TPHCM đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia, đóng góp 36% ngân sách và 30% tổng sản phẩm quốc gia (GDP). Vì vậy, việc quy hoạch chiến lược cho TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn 2050 thực sự quan trọng không chỉ đối với bản thân TPHCM mà còn với cả quốc gia. Chúng ta nên coi cả TPHCM là một đặc khu kinh tế hay vùng kinh tế đặc biệt giống như Thâm Quyến, Chu Hải hay Thượng Hải của Trung Quốc, hơn là lập ra một đặc khu kinh tế riêng bên trong TP.
Việc lập ra một đặc khu kinh tế riêng trong một TP thuộc diện đặc biệt (theo phân loại hệ thống đô thị Việt Nam), chưa hẳn là có lợi. Giới chuyên gia cho rằng, cần đặc biệt nhấn mạnh đến tính “chân dung hiện đại” của TPHCM. Đó phải là TP công nghệ cao (các ngành kinh tế đều là những ngành công nghệ cao, nhất là công nghiệp và dịch vụ; là trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao, và là trung tâm nghiên cứu và phát triển - R&D).
Hơn nữa, TPHCM phải là đô thị có chiều sâu không gian, là đô thị thông minh - giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, chính quyền thông minh (chính quyền điện tử). Và TP phải là đô thị có nền tảng kết cấu hạ tầng bền vững, bảo đảm tối thiểu hóa ngập lụt, kẹt xe, ô nhiễm môi trường.
Mặt khác, TPHCM cần đặc biệt đề cao định hướng hiện đại hóa trong mục tiêu phát triển và phải nghiêm khắc, kiên trì tuân thủ định hướng này. Để thực hiện định hướng này cần giải quyết 3 nhóm vấn đề lớn là dân số - dân cư hợp lý, cơ cấu - đẳng cấp ngành (đẳng cấp công nghệ và sự tinh xảo) và kết cấu hạ tầng hiện đại văn minh.
TP có thuận lợi để làm điều này khi có 75 trường đại học, cao đẳng và 700.000 sinh viên, trong đó có nhiều trường đại học liên kết với các nước có nền giáo dục đào tạo tiên tiến. Theo ước tính, TPHCM hiện có khoảng 300.000 doanh nghiệp trong nước, hơn 5.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và hơn 3.000 doanh nghiệp từ 62 quốc gia có văn phòng đại diện. TP hiện có 17 khu chế xuất và khu công nghiệp với diện tích trên 4.000ha.
Dự kiến sẽ thành lập thêm 7 khu công nghiệp mới với diện tích hơn 2.000ha. Và mục tiêu của TPHCM sẽ có 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020. Với một TP xác lập “đẳng cấp quốc tế” cũng cần tạo lập lực lượng doanh nghiệp mạnh, coi một số tập đoàn doanh nghiệp tư nhân mạnh làm trụ cột, tích cực thu hút đầu tư nước ngoài. Trong đó, các tập đoàn lớn - nhà đầu tư chiến lược, có khả năng mở rộng kết nối chuỗi toàn cầu là mục tiêu ưu tiên.
Cần thiết một cơ chế đặc biệt
Quốc hội ban hành Nghị quyết 54 tạo cho TPHCM những cơ chế đặc thù là cần thiết và kịp thời. Bởi TP hiện tại đã đông dân và quá lớn, nhưng lại khoác lên mình một chiếc áo quá chật.
Theo đó, nếu cho TPHCM tự quyết về đất đai, thuế, phí… về việc tự quyết tất cả dự án đầu tư mà không cần thông qua bộ, ngành sẽ không khó để thu hút nhà đầu tư, tạo tiền đề cho việc hoàn thành công tác chỉnh trang đô thị; nâng cấp, mở rộng và hoàn thiện hạ tầng. Đây là hai vấn đề bức thiết của TP hiện nay vì nó cần một nguồn vốn xã hội hóa rất lớn.
Nếu nói cho phép TPHCM có cơ chế đặc thù kèm theo các quy định về việc sử dụng vốn thì không khó, vấn đề cốt lõi là cơ chế mới phải kèm theo đội ngũ cán bộ lãnh đạo giỏi để có thể tự chủ về tài chính và tự chủ về nhân sự. Khi đó TP mới thực sự phát triển nhanh, bền vững. |
Việc ban hành cơ chế để có nhiều tiền chỉ là điều kiện tốt để có nền tảng, tiềm lực đầu tư, phát triển. Còn vấn đề cốt yếu phải là việc sử dụng đồng tiền ấy có hiệu quả, có sinh lợi hay không.
Chúng ta đang đi sau các nước trên thế giới gần 50 năm nên cần phải học hỏi. Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều đã áp dụng từ lâu và họ đã thành công. Trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng, trình độ rất cao, khi mà những cơ hội và thách thức mới mẻ, to lớn và gay gắt, gây áp lực mạnh chưa từng thấy lên công cuộc đổi mới và phát triển của Việt Nam nói chung và của TPHCM nói riêng, thì cũng là lúc chúng ta đứng trước nhiều cơ hội lấy lại vị thế “Hòn ngọc Viễn Đông”, một thời là niềm tự hào của người Việt.