Đem lại giá trị kinh tế cao
Nghề trồng hoa ở Đà Lạt gắn liền với quá trình di dân từ những làng hoa nổi tiếng từ Hà Nội những năm cuối thập niên 1930 (thế kỷ XX).
Năm 1994, với sự xuất hiện của Công ty Dalat Hasfarm (Hà Lan), mô hình trồng hoa hiện đại trong nhà kính của đơn vị này đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, giúp những người nông dân mạnh dạn đầu tư nhà kính để trồng hoa. Là nông hộ có hơn 40 năm làm nghề trồng hoa, ông Bùi Văn Hội (làng hoa Thái Phiên, phường 12, TP Đà Lạt) nhớ lại: “Năm 1974, tôi bắt đầu trồng hoa trên khu vực đất của gia đình. Ngày đó, chúng tôi trồng, chăm sóc hoàn toàn thủ công theo cách trèo đồi gánh nước, hoa trồng phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nên hiệu quả không cao. Sau khi học được cách trồng hoa trong nhà kính, tôi dùng hết số tiền tiết kiệm giá trị tương đương 4 cây vàng, đầu tư vào làm 1.000m² nhà kính để trồng hoa cúc. Ngay trong năm đó vườn cúc đã cho lợi nhuận”. Thấy mô hình trồng hoa trong nhà kính của gia đình ông đem lại giá trị kinh tế cao, nhiều người dân trong làng tới học tập, chia sẻ kinh nghiệm cách áp dụng trồng hoa công nghệ cao tại hộ gia đình.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, hiện nay diện tích trồng hoa trên địa bàn Đà Lạt khoảng 5.962ha (chiếm hơn 70% diện tích trồng hoa của tỉnh Lâm Đồng), sản lượng hơn 2,4 tỷ cành/năm. Phần lớn trong số đó được trồng trong nhà kính mang lại doanh thu trung bình hàng trăm triệu đồng/ha/năm, nhiều mô hình cho thu nhập cao từ 2-5 tỷ đồng/ha/năm. Cùng với đó, kỹ thuật tưới phun tự động, châm phân tự động, màng phủ tiết kiệm, kiểm soát dịch bệnh, công nghệ nhân giống từng bước được áp dụng đại trà trong trồng hoa.
Liên kết là xu hướng tất yếu
Hiệu quả và giá trị kinh tế từ cây hoa mang lại cao đã thúc đẩy người dân Đà Lạt chuyển đổi phần lớn diện tích một số cây trồng kém hiệu quả khác sang sản xuất hoa. Tuy nhiên, sản phẩm hoa của các nông hộ sản xuất theo hình thức truyền thống không thể xuất khẩu, do diện tích sản xuất nhỏ, chỉ bán được thị trường trong nước, chủ yếu thông qua các chợ đầu mối tại TPHCM.
Theo ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, hiện người trồng hoa Đà Lạt còn gặp nhiều trở ngại về vốn đầu tư, giống bản quyền cũng như thị trường tiêu thụ. Để đầu tư 1.000m² nhà kính theo đúng nghĩa công nghệ cao thì phải mất 3-4 tỷ đồng, giá trị đầu tư trên đất cao, khó thế chấp để vay vốn. Bên cạnh đó, khó khăn trong đóng gói, bảo quản, khiến hao hụt sản phẩm cao. Tính chất nhỏ lẻ, manh mún từng nông hộ nên không đủ khả năng đáp ứng được những hợp đồng xuất khẩu với những yêu cầu nghiêm ngặt về số lượng và chất lượng.
Còn theo ông Trần Văn Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dalat Hasfarm (đơn vị sản xuất, xuất khẩu hoa hàng đầu tại Đà Lạt), xuất khẩu ra thị trường mà không có giấy phép bản quyền, người ta sẽ không nhập khẩu, đây là lý do phần lớn hoa sản xuất tại Việt Nam không vào được thị trường các nước. Mua hẳn bản quyền giống hoa thì chúng ta không đủ tiền, nhưng mua trong khoảng 15-20 năm thì nằm trong khả năng. Việc liên kết giữa người trồng với tổ hợp tác hoặc một đơn vị đứng ra làm đầu tàu cũng sẽ giúp giải quyết được các đơn hàng lớn mà mỗi hộ dân không thể tự đáp ứng được. Bởi vậy, liên kết trong sản xuất là hướng đi tất yếu nếu hoa Đà Lạt muốn mở rộng ra thị trường quốc tế.