Sau đại dịch Covid-19, nhận thấy người lao động gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống, Chính phủ ban hành Quyết định 08/2022 hỗ trợ cho người lao động tiền thuê nhà. Quyết định ban hành ngày 28-3-2022, cũng là ngày có hiệu lực thi hành. Số tiền hỗ trợ dự chi là 6.600 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách. Dự kiến có khoảng 3,4 triệu lao động được nhận số tiền này.
Từ khi ban hành đến nay đã 4,5 tháng, nhưng theo cập nhật của Bộ LĐTB-XH, đến chiều 15-8 chỉ mới có hơn 1,2 triệu người được nhận hỗ trợ. Trong khi đó, Thủ tướng đã có công điện đốc thúc vào ngày 19-5 và Văn phòng Chính phủ 3 lần có công văn truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng đốc thúc Bộ LĐTB-XH, các địa phương khẩn trương giải ngân gói 6.600 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động kịp thời. Ngày 8-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục yêu cầu Bộ LĐTB-XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chậm nhất trước ngày 15-8 phải tổ chức họp báo, giao ban với các địa phương xác định nguyên nhân chậm trễ và có giải pháp xử lý. Dù vậy, tiến trình không đẩy nhanh được bao nhiêu, thậm chí nhiều tỉnh mới giải ngân được vài phần trăm.
Dù nguyên nhân là như thế nào chăng nữa, rõ ràng kết quả thực hiện như vậy là quá chậm!
Do tình hình dịch bệnh, sản xuất bị đình trệ, đời sống khó khăn, Chính phủ đã có nhiều gói hỗ trợ từ ngân sách cho doanh nghiệp, người lao động và những nhóm lao động đặc thù như cán bộ nhân viên y tế, giáo viên mẫu giáo nhà trẻ. Song, nhìn chung việc triển khai những gói hỗ trợ đó ở các đơn vị cơ sở rất chậm. Sự chậm trễ ấy đã làm giảm ý nghĩa xã hội của các chính sách nhân văn và vô tình làm kéo dài thêm khó khăn của người cần được hỗ trợ. Đó là chưa kể có thể dẫn đến những hệ lụy khác.
Đối với người lao động, vài triệu đồng là số tiền đáng kể, giúp bổ sung vào ngân quỹ gia đình để chi trả cho thuê nhà, để bữa ăn có thêm chút thịt cá, con có thêm dăm hộp sữa. Trong thời buổi thu nhập thấp nhưng giá cả đều tăng thì sự hỗ trợ ấy không chỉ có giá trị cải thiện đời sống mà còn là nguồn động viên lớn lao làm cho người lao động thấy mình không bị bỏ rơi, luôn được Nhà nước và những tổ chức chính trị - xã hội quan tâm, song hành.
Một trong những nguyên nhân lần nào cũng thấy đề cập, đó là quy trình chi trả hỗ trợ nhiêu khê, cứng nhắc với nhiều loại giấy tờ khai báo và qua nhiều tầng nấc. Chỉ riêng mẫu đơn xin hỗ trợ tiền thuê nhà có 9 mục khai báo, với nhiều mục người lao động không dễ có thông tin nhanh và cũng khó thể khai báo cho đúng. Trong khi đó, nếu không điền đủ thì hồ sơ không được tiếp nhận.
Đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ lần này là công nhân làm việc theo ca kíp, theo tổ đội và chắc chắn nằm trong danh sách mà các doanh nghiệp trả lương, chi trả bảo hiểm xã hội. Như thế, một cán bộ công đoàn có danh sách người lao động đang ở trọ trong công ty mình là điều không khó khăn và cũng không mất nhiều thời gian. Nếu như, một cán bộ cơ sở sâu sát, biết nhập liệu trên máy tính thì việc truy xuất và rà soát dữ liệu, thông tin sẽ diễn ra nhanh chóng. Như thế sẽ lược gọn bớt “quy trình nhiêu khê, cứng nhắc” như cách mà TP Hà Nội đã làm. Thay vì phê duyệt danh sách và kinh phí như Bộ LĐTB-XH quy định thì Hà Nội giao quyền cho quận, huyện, thị xã phê duyệt. Đến chiều 14-8, Hà Nội đã giải ngân được hơn 70% nguồn tiền hỗ trợ.
Rõ ràng, nếu thủ tục hành chính đơn giản hơn, cán bộ địa phương tích cực hơn thì tiến trình giải ngân suôn sẻ hơn, chính sách nhân văn đi vào thực tế một cách thực chất hơn và phát huy được đầy đủ ý nghĩa hơn. Chính phủ cần truy trách nhiệm của sự chậm trễ để tình trạng tương tự không tái diễn, bởi việc triển khai các gói hỗ trợ cho người dân sẽ còn diễn ra nhiều lần nữa, nhất là nước ta thường xuyên bị bão lụt, hạn hán và những rủi ro không lường trước được.