Có cơ chế thông thoáng
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, trên phạm vi cả nước, từ ngày 1-1-2020 đến 30-6-2022, tổng số công chức, viên chức thôi việc là 39.550 người, đa số từ 40 tuổi trở xuống và có trình độ đại học chiếm trên 50%. Đây là vấn đề được xã hội quan tâm thời gian qua, và đã làm nóng nghị trường Quốc hội.
Nói về mong muốn của thế hệ “Gen Z” (thế hệ được sinh từ khoảng năm 1997 đến 2012) đối với khu vực nhà nước, anh Trần Xuân Bách, một nhân sự cấp cao của Công ty Creat Tree (Hà Nội) nêu, bên cạnh việc không hấp dẫn về thu nhập, việc thu hút người giỏi vào các cơ quan nhà nước còn bị cản trở bởi việc thi tuyển rất khó, đòi hỏi bằng cấp khắt khe, người giỏi cũng có thể trượt ở phần thi kiến thức về công vụ, hành chính.
Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám bệnh cho người dân |
“Tôi rất mong có một khung chính sách dành cho việc tuyển dụng người giỏi vào cơ quan nhà nước phù hợp với tình hình mới, chú trọng về năng lực chuyên môn hơn, không chỉ là có đãi ngộ xứng đáng mà còn có cơ hội vào và phấn đấu công bằng”, anh Bách chia sẻ. Theo anh Bách, chính sách khen thưởng và thăng tiến cần giúp tạo ra môi trường có sự cạnh tranh và tương trợ cao, dựa trên năng lực triển khai, thay vì các yếu tố khác như số năm kinh nghiệm, bằng cấp, độ tuổi hay quan hệ cá nhân.
Theo PGS-TS Lưu Quốc Đạt, Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội), hiện cơ chế tiền lương (theo ngạch bậc) chưa có tác dụng khuyến khích nỗ lực của người lao động cũng như thu hút nhân lực trình độ cao, chuyên gia, nhà khoa học trẻ về làm việc tại khu vực nhà nước. Do đó, Nhà nước cần sớm ban hành các chính sách đãi ngộ, tạo điều kiện về vật chất và tinh thần, môi trường làm việc để thu hút các nhà khoa học trình độ cao trong và ngoài nước. Nói cách khác, phải có “đất dụng võ” để người tài chứng tỏ được tài năng, trí tuệ của mình.
Truyền thống lâu đời, tốt đẹp của dân tộc ta coi “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Quan điểm, tư tưởng và nghệ thuật trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị và là bài học kinh nghiệm quý báu cho công tác cán bộ của Đảng ta. Người khẳng định: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”.
Ngày 13-4 vừa qua, tại tọa đàm “Kế hoạch thu hút nhà khoa học trẻ về công tác tại Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM”, PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM, nhấn mạnh, để thu hút các nhà khoa học trẻ tài năng, trước nhất là tạo không gian mới. Khi các nhà khoa học trẻ được tuyển dụng, họ cần một không gian đủ rộng để quyết định những vấn đề mà họ cho là quan trọng và cần thiết. Chia sẻ trải nghiệm của bản thân, PGS-TS Vũ Hải Quân cho biết, khi về nước, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) giao ông làm giám đốc của một trung tâm. “Dù trung tâm 3 không: không vốn, không tư cách pháp nhân, không phòng ốc, nhưng ít nhất tôi được làm giám đốc. Sau đó, trường đã cấp cho tôi một phòng thí nghiệm. Đây chính là không gian để tôi có thể thực hiện các ý tưởng, nghiên cứu của mình, dù thực tế không được đầu tư nhiều. Không gian ở đây chính là sự trao quyền, trao sự tự chủ”, PGS-TS Vũ Hải Quân chia sẻ.
Cùng với đó, theo PGS-TS Vũ Hải Quân là cần làm cho các nhà khoa học trẻ hiểu được ý nghĩa của công việc mà họ gắn bó. Việc giúp người tài ý thức được công việc của họ là một sự tiếp sức quan trọng. Cuộc sống không chỉ xoay quanh tiền mà còn ý thức về việc đóng góp những gì, phục vụ cho ai.
Vấn đề cuối cùng là cùng phát triển. “Cùng phát triển có nghĩa là khi họ về ĐHQG TPHCM, chúng ta phải cùng cam kết. Chẳng hạn trong 5 năm, anh sẽ trở thành phó giáo sư. Anh không đi một mình mà có các thầy các cô trong hội đồng ngành, hội đồng trường đồng hành. Rồi sau 3-5 năm nữa thành giáo sư. Nghĩa là họ nhìn thấy rõ một lộ trình cùng phát triển với chúng ta”, PGS-TS Vũ Hải Quân nêu.
Cần quy định rõ về trọng dụng người tài
Chuyên gia Vũ Đình Ánh cho rằng, chủ trương thu hút người giỏi vào khu vực công là rất cấp bách, vì nếu không có người giỏi thì bộ máy quản lý nhà nước sẽ hoạt động kém, gây hệ lụy lớn và lâu dài đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Vướng mắc lớn nhất đối với việc thu hút người giỏi vào khu vực công là các tiêu chí tuyển dụng. Chúng ta cần làm rõ thế nào là người giỏi, vì đối với khu vực công thì tiêu chí giỏi khác với khu vực tư. Các cơ quan nhà nước sẽ cần người quản lý giỏi, hoạch định chính sách giỏi, soạn thảo văn bản, quy phạm pháp luật giỏi…, nghĩa là cần những người phù hợp với chức năng nhiệm vụ cơ quan.
Ví dụ, ở lĩnh vực kinh tế, cơ quan nhà nước cần những người quản lý kinh tế giỏi chứ không phải làm kinh tế giỏi. Chỉ số đo lường hiệu quả, hiệu suất công việc cá nhân (KPI) của khu vực công cũng khác, do đó nếu tuyển dụng không đúng đối tượng sẽ không phát huy được, dù họ rất có tài. “Trước đây, chúng ta đã có chương trình tuyển sinh viên giỏi về làm phó chủ tịch xã, nhưng tôi cho rằng không thành công, do chưa xác định rõ tiêu chí về cán bộ quản lý cấp xã giỏi là như thế nào. Không phải cứ học giỏi là làm được phó chủ tịch xã”, chuyên gia Vũ Đình Ánh nêu.
Tiếp theo là cần tạo điều kiện để người giỏi có thể vào bộ máy nhà nước một cách thuận lợi, không bị những “rào cản kỹ thuật” về hồ sơ hay những yêu cầu phức tạp khác. Khi đã tuyển dụng được người giỏi, cần “giữ chân” được họ bằng cách tạo môi trường phát huy sự sáng tạo của họ, đánh giá hiệu quả công việc bằng chất lượng chuyên môn chứ không phải bằng các yếu tố khác. Cuối cùng mới là câu chuyện về đãi ngộ thỏa đáng.
Trong khi đó, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, lại cho rằng, cần phải phân biệt rõ lương của người tài, người giỏi. “Ở làng gốm Bát Tràng, lương của họa sĩ vẽ 80 triệu đồng/tháng, một người thợ giỏi 40-50 triệu đồng/tháng; người nặn, bưng bê 10-15 triệu đồng/tháng. Tương tự ở khu vực công cũng vậy, lương phải trả theo giá trị, giữa sự đóng góp của cái chung và cái riêng, chứ không đơn thuần chỉ là tính ra... lượng mồ hôi”, ông Nhưỡng nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, việc trọng dụng nhân tài mới chỉ có văn bản mang tính chất cương lĩnh, chưa có văn bản pháp lý mang tính chất bắt buộc. Là người kiên trì đề xuất cần có Luật Trọng dụng nhân tài, ĐBQH Lê Thanh Vân đã liên tục đề nghị xây dựng luật này ở Quốc hội các khóa XIII, XIV. Theo ông, phải luật định nhân tài là ai; các nguyên tắc của Nhà nước đặt ra trọng dụng bảo vệ nhân tài; quy trình, cách thức lựa chọn chế độ tiến cử nhân tài; chế độ trách nhiệm của thể nhân, pháp nhân đối với người tài, bởi nhân tài là tài nguyên vô giá của đất nước.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, nếu xét về chính sách tinh thần thì trong khu vực công vẫn tạo ra nhiều giá trị. Tính công vụ trong lao động khu vực công mang đến một giá trị về cống hiến mà khu vực tư nhân không có được. Đó cũng là giá trị khác biệt mà nhiều công chức nhà nước lựa chọn dù lương không cao. “Tôi vẫn tin rằng có những người giỏi thực sự họ muốn vào làm việc trong khu vực công để đóng góp, để cống hiến một cách hiệu quả cho đất nước, với những mục tiêu lớn hơn chứ không phải chỉ chăm chăm tìm kiếm tiền tài, danh vọng”, chuyên gia Vũ Đình Ánh trăn trở.
Đáng nói là dù đã khởi động từ năm 2019, nhưng sau 4 năm, hiện nay Đề án “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” vẫn chưa ra đời. Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giao Bộ Nội vụ xây dựng đề án này và hiện Bộ Nội vụ vẫn đang tổ chức xin ý kiến các bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học trên cả nước. Hơn bao giờ hết, đề án này cần sớm được hoàn thiện, ban hành để sớm đi vào cuộc sống. Các nội dung của Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài phải là khung cơ bản để các bộ, ngành, địa phương có thể cụ thể hóa bằng các quy định phù hợp với đặc điểm và yêu cầu phát triển của ngành, lĩnh vực và địa phương.